+
Aa
-
like
comment

Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 62.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021?

30/08/2021 07:45

Tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 có thể lên tới 62,2 nghìn tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần tổng hỗ trợ năm 2020. Ước tính với con số này, các ngân hàng “hy sinh” gần 30% lợi nhuận dự kiến trong năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo “Lượng hóa các Gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2021 và một số kiến nghị”.

Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 62.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021? - Ảnh 5.
Các công ty chứng khoán hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng năm 2021. (Ảnh: VCB)

Năm 2021, các ngân hàng “hy sinh” 62 nghìn tỷ lợi nhuận hỗ trợ nền kinh tế?

Theo Nhóm tác giả, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay diễn biến khó lường, nhất là đợt dịch lần 4 từ cuối tháng 4/2021 trở lại đây vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế…

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo thống kê của nhóm tác giả, tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2020 là khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 0,49% GDP năm 2020.

Trong đó, cho vay mới với lãi suất thấp hơn (giảm trung bình khoảng 1%), số tiền hỗ trợ là 11,5 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, số tiền hỗ trợ 8,3 nghìn tỷ đồng.

Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 62.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021? - Ảnh 1.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào miễn, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và cho vay mới với lãi suất thấp hơn với 19,2 nghìn tỷ đồng.

Một số biện pháp hỗ trợ khác như miễn giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho 787 nghìn khách hàng, số tiền hỗ trợ tương ứng khoảng 8,8 nghìn tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, số tiền hỗ trợ 4,8 nghìn tỷ đồng.

Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 62.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021? - Ảnh 2.

Chưa hết, trong 5 tháng cuối năm 2021, sau khi có chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, theo đó 16 ngân hàng (chiếm 80% thị phần tín dụng) đã cam kết giảm 20,3 nghìn tỷ đồng lãi vay từ nay đến cuối năm, 4 ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước còn cam kết giảm thêm 4 nghìn tỷ đồng ngoài gói hỗ trợ chung.

Chưa có tiền lệ: Ngân hàng có thể “bốc hơi” đến 62.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021? - Ảnh 3.

Với giả định từ tháng 8, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm tổng 24,3 nghìn tỷ đồng lãi vay đến cuối năm, cơ cấu thời hạn trả nợ cho dư nợ 600 nghìn tỷ đồng…v.v., các tổ chức tín dụng sẽ giảm thêm khoảng 28,2 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả giảm phí thanh toán).

Như vậy, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là khoảng 62,2 nghìn tỷ đồng, mức hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử ngân hàng. Con số này cao gấp hơn 2 lần tổng hỗ trợ năm 2020 và tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021.

Thậm chí, nếu tính thêm cả con số trích lập dự phòng rủi ro bổ sung theo Thông tư 03 và Thông tư sửa đổi dự kiến của NHNN, số tiền của gói hỗ trợ còn lớn hơn nhiều (năm 2021, dự phòng rủi ro phải trích thêm theo Thông tư 03 là khoảng 42,6 nghìn tỷ đồng, còn theo Thông tư sửa đổi dự kiến là khoảng 69 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, kỳ vọng sang quý 2/2022, Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế có sự hồi phục rõ nét hơn thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro có thể ít hơn, cùng với tiến trình giảm nợ xấu và dư nợ cơ cấu lại.

Hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàngThực tế, các công ty chứng khoán gần đây đã hạ dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021.

Đơn cử như Vietcombank, lợi nhuận của ngân hàng được dự báo sụt giảm mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam có thể sẽ kéo dài hơn, cùng với gói cho vay ưu đãi thứ 8, tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh và thu nhập lãi thuần sẽ chịu áp lực trên một số mặt.

Ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2021 và 2022 lần lượt là 8,1% và 5,9% còn 24,3 nghìn tỷ đồng (tăng 5,4% so với cùng kỳ) và 31,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ).

Hay như tại VietinBank, trái ngược với mức tăng trưởng 3 chữ số trong quý 1, VietinBank công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 giảm so với dự kiến, chỉ đạt 2.800 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nguyên nhân lợi nhuận quý 2/2021 của VietinBank không như kỳ vọng ban đầu là do ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng.

VDSC đánh giá, tuy khiến lợi nhuận giảm nhưng điều này mang ý nghĩa tích cực về bộ đệm dự phòng khi xét thêm bản chất khoản nợ được cơ cấu.

Tương tự, Chứng khoán SSI cũng dự báo VietinBank sẽ chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng trong năm 2021-2022 để ứng phó đại dịch và điều này tác động tới lợi nhuận trong ngắn hạn.

Ngoài ra, mới đây, do đợt bùng phát lần 4 của dịch COVID-19, VietinBank đã công bố gói hỗ trợ tín dụng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Gói hỗ trợ bắt đầu từ ngày 15/7/2021 và ngân hàng có thể mất 2 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi cho 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, SSI hạ dự báo lợi nhuận của VietinBank do ngân hàng vừa triển khai gói hỗ trợ tín dụng mới và giảm thu nhập từ phí để hỗ trợ khách hàng.

Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận nhà băng này đạt 18.200 tỷ đồng trong năm 2021 và 25.100 tỷ đồng trong năm 2022.

Với VPBank, theo SSI, nửa cuối năm 2021, việc thoái vốn FeCredit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện NIM, với nguồn vốn rẻ, tỷ lệ CASA cải thiện và tối ưu hóa cấu trúc tài sản của ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có thể sẽ duy trì được quỹ đạo tăng trưởng tốt.

Trong khi đó, FeCredit có thể gặp khó khăn trong Q3/2021 do mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại các thành phố ở miền Nam. Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng mẹ (từ 13,1 nghìn tỷ đồng lên 14,2 nghìn tỷ đồng), nhưng giảm ước tính lợi nhuận trước thuế đối với FeCredit (từ 4,4 nghìn tỷ đồng xuống 2,8 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 ước đạt là 16,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng – thấp hơn con số dự báo trước đó.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều