Chưa cho phép bán ăn uống tại chỗ, TP.HCM đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần
TP.HCM chưa cho phép mở bán ăn uống tại chỗ, các quận huyện phải đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần và sẽ được công bố tại Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
TP.HCM chưa cho phép hàng quán mở bán tại chỗ
Chiều 18/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ sau gần 20 ngày địa bàn áp dụng Chỉ thị 18.
Trả lời báo chí câu hỏi khi nào TP.HCM cho phép hàng quán mở cửa tại chỗ, Phó giám đốc Nguyễn Nguyên Phương cho biết chưa có kế hoạch về việc này. “Các hoạt động dịch vụ khi mở lại trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Sở Công Thương chưa nhận được thông tin về công tác mở lại, nếu có Sở sẽ thông tin sớm đến báo chí”, ông Phương cho biết.
Nói thêm việc này, Phó ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải nhận định tất cả người dân đều mong muốn hàng quán mở lại và bán ăn uống tại chỗ như điều kiện bình thường.
Ông Hải cho biết hiện nay, theo Chỉ thị 18, TP chỉ cho phép hàng quán phục vụ bán mang về. Do đó, nếu nơi nào thực hiện điều này là chưa đúng quy định.
“Các phường xã có trách nhiệm theo dõi, nhắc nhở, thực hiện đúng Chỉ thị 18. Dù chúng ta rất mong muốn nhưng còn tùy thuộc vào tình hình dịch của thành phố”, ông Phạm Đức Hải nói.
Các quận, huyện phải đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ngày 17/10, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Công văn này giải thích chi tiết cách tính các tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch. Theo đó, dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, quận/huyện đánh giá phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần.
Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn tổng hợp và báo cáo về ban chỉ đạo cấp huyện.
Sở Y tế nhấn mạnh Nghị quyết 128 khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Về đánh giá cấp độ dịch tại quận, huyện, TP Thủ Đức, Sở yêu cầu đảm bảo chỉ số đánh giá có cùng thời gian với phường, xã, thị trấn trực thuộc. Kết quả cấp độ dịch ở quận, huyện phải đối chiếu, so sánh với cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn trực thuộc để có giải pháp can thiệp phù hợp. Ban chỉ đạo cấp huyện tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM cùng kế hoạch can thiệp với địa bàn dịch diễn biến theo chiều hướng xấu (cao hơn ít nhất 1 cấp so với cấp độ đánh giá của toàn quận, huyện).
Căn cứ kết quả đánh giá, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP sẽ công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch của từng địa phương tại Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
TP.HCM gia hạn gói hỗ trợ đợt 3 đến 22/10
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết đến nay, TP ghi nhận ở Khu chế xuất công nghiệp và Khu công nghệ cao TP có thêm hơn 134.000 người trở lại làm việc. Rải rác các quận, huyện có trên dưới 5.000 lao động.
Ông cho biết trước đó, UBND TP có văn bản 3231 về phương thức hỗ trợ, vận chuyển công nhân trở lại TP làm việc. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng lao động ở các khu vực Tây Nguyên, khu vực cao nguyên trở lại khả quan hơn.
Hiện, TP có 127 cơ quan tổ chức giới thiệu việc làm. Người lao động trở lại có 2 hướng: Đến theo lời mời công ty cũ hoặc muốn tìm việc làm mới. Sở LĐTBXH có trung tâm giới thiệu việc làm để kết nối.
“Sở cũng có khảo sát và danh sách cụ thể nhu cầu người tìm việc, việc tìm người giao cho cơ quan chuyên môn để kết nối doanh nghiệp, mời người lao động phỏng vấn”, ông Lâm nói và cho biết đến nay việc hỗ trợ diễn ra suôn sẻ.
Về tiến độ chi trả hỗ trợ đợt 3, tính đến nay, ông Lâm cho biết TP đã chi hỗ trợ cho hơn 5 triệu người. Kế hoạch chi hỗ trợ dự kiến sẽ kết thúc ngày 15/10, tuy nhiên đến nay, ông Lâm cho hay địa bàn vẫn còn trên 2,5 triệu người chưa nhận chi trả hỗ trợ. Số này hầu hết là người kê khai nhưng không có mặt ở địa phương, hoặc người ở khu cách ly…
“Do đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận kéo dài đến ngày 22/10 để kết thúc đợt chi trả. Trên tinh thần làm càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.
10/15 tỉnh chính thức thí điểm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh Đến nay, đã có 15 tỉnh, thành thống nhất phương án thí điểm, nhưng mới có 10 tỉnh, thành đi vào hoạt động. Tổng số chuyến đã hoạt động là 159 với tổng số 1.499 hành khách đến và đi. Tất cả xe xuất bến đều được kiểm tra, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch của TP.HCM.
Tuy nhiên, trên tuyến xe đi Đắk Lắk, đơn vị vận tải có vi phạm trong việc đón khách dọc đường. Khi kiểm tra lại thì phát hiện có hành khách dương tính. Sở GTVT đã tuyên truyền và đề nghị trong điều kiện phòng chống dịch, đơn vị vận tải và tài xế phải tuân thủ nghiêm điều kiện chống dịch để việc vận tải tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo điều kiện về phòng, chống dịch.
TP.HCM chưa được phân bổ vaccine Sputnik V
Về phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết dựa trên Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã ban hành quyết định cụ thể hóa đến địa phương. Ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn phương án với mọi tình huống dịch.
Về đánh giá tình hình dịch sau 2 tuần mở cửa, ông Tâm cho biết TP.HCM chưa ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng. Các trường hợp ghi nhận là ổ dịch trong hộ gia đình. Cụ thể, F0 lây lan cho người cùng hộ gia đình, do đó, không gọi là ổ dịch trong cộng đồng.
Về tiêm vaccine Sputnik tại TP Thủ Đức, ông Tâm cho biết chưa ghi nhận thông tin này. “Tuy nhiên, trong số vaccine được Bộ phân bổ cho địa phương trong chương trình tiêm chủng thì không có vaccine Sputnik”, ông Tâm nói.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố đang điều trị tại nhà cho hơn 11.700 bệnh nhân. Số ca đang cách ly tập trung hơn 4.800 người. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 640, số ca xuất viện 664 và 51 người tử vong.
Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 hơn 11.500 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị là 902 người, phụ nữ mang thai là 116 người.
Về tiến độ tiêm chủng, tính đến 17/10, TP đã triển khai tiêm hơn 7,1 triệu mũi 1 và gần 5,5 triệu mũi 2.
Các quận huyện trên địa bàn tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. TP cũng chuẩn bị phương án tiêm chủng vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Đến sáng 18/10, thành phố ghi nhận hơn 417.000 ca nhiễm, 240.797 ca xuất viện. Số ca mắc trong ngày giảm ở mức 3 con số; số tử vong duy trì 2 con số; tỷ lệ tiêm vaccine mũi một cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt gần 99% và tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố; tỷ lệ sử dụng giường điều trị Covid-19 giảm còn 22% so với công suất.
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Trong đó, một trong những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch của các địa phương là độ bao phủ vaccine.
Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 phân theo 2 mức (từ 70% trở lên và dưới 70% người từ 18 tuổi trở lên được ít nhất một liều vaccine). Về tỷ lệ này, TP.HCM đã đạt 98,7%.
Ngày 16/10, Sở Y tế TP.HCM cũng lên dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi trên địa bàn. Dự kiến ngày tiêm là 22/10 cho khoảng 780.000 trẻ.
Như vậy, sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn, TP.HCM là địa phương đầu tiên xây dựng lộ trình cụ thể về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Các chuyên gia khuyến cáo việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em nên được thực hiện khi tất cả người trưởng thành, nhóm nguy cơ cao đã tiêm đủ liều.
Hồng Anh