Chủ trương ứng xử của Việt Nam đối với những hành vi vi phạm trên Biển Đông
Mọi hoạt động của nước ngoài trên vùng biển Việt Nam phải tuân thủ quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 3 năm ngày Tòa Trọng tài quốc tế The Hague (12/7/2016) ra Phán quyết về vụ Philippines kiện việc Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, chúng tôi xin được đề cập đến nội dung thứ 2 trong Phán quyết có liên quan đến các thực thể địa lý như: đảo, đá, bãi cạn, quần đảo, quốc gia quần đảo và hiệu lực của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa.
Quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa
Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy.
Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc.
Các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Theo đó, các bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong…là những rạn san hô, bãi cát ngầm ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển được Tòa xác định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines.
Tuy nhiên, Tòa đã nói rất rõ: Phán quyết của Tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền/phân định biển. Vậy có thể hiểu là riêng vấn đề chủ quyền đối với Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… Tòa không ra phán quyết, mà sẽ được các bên liên quan giải quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ.
Và, lúc đó, các bên liên quan sẽ phải chứng minh bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… về mặt địa chất, địa mạo là một phần của quần đảo Trường Sa hay chỉ là một bộ phận cấu thành thềm lục địa của một quốc gia ven biển liên quan theo quy định của UNCLOS 1982.
Tất nhiên, khi bàn thảo về nội dung này, người ta không thể không đề cập đến quần đảo Trường Sa bao gồm những thực thể nào, phạm vi của nó đến đâu.
Liên quan đến phạm vi quần đảo Trường Sa, hiện nay chưa có bên liên quan nào công bố chi tiết, chính thức.
Nếu nghiêm túc dựa vào các quy định của UNCLOS, đối chiếu với trạng thái tự nhiên của chúng trên thực tế và với một thái độ thật sự cầu thị, thiện chí, khách quan, chắc chắn sẽ tìm ra được những đáp số chuẩn xác nhất.
Bởi vì, Phán quyết của Tòa trọng tài đã cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng, có thể được xem như là một Phụ lục của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định UNCLOS 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, không chỉ những nội dung mà Phán quyết Tòa trọng tài đã tuyên, mà còn các nội dung khác nữa.
Chẳng hạn, Trung Quốc từng giải thích và áp dụng sai điều 47 UNCLOS 1982 để công bố hệ thống đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của cả quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1996.
Đây cũng là ví dụ điển hình cho việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 của Trung Quốc.
Họ cũng đang có phương án lặp lại điều tương tự ở quần đảo Trường Sa, với ý đồ bao lấy hầu hết các bãi ngầm, bãi cạn, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác ở xung quanh Biển Đông.
Tuy nhiên, với Phán quyết này, Tòa đã hoàn toàn bác bỏ lập luận ngụy biện của Trung Quốc khi ho cố tình vận dụng sai các quy định liên quan của UNCLOS 1982 để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
Bởi vì, theo Điều 46 của UNCLOS1982, quy định:
a) “Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.
b) “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Nếu căn cứ vào định nghĩa này thì quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những quần đảo xa bờ, không phải là “Quốc gia quần đảo”.
Đó “là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử”.
Vì vậy, Tòa kết luận, quần đảo Trường Sa là một “thực thể thống nhất” có quy chế pháp lý riêng, chứ không theo quy chế của “quốc gia quần đảo” quy định tại Điều 47, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng để công bố hệ thống đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ hợp thức hóa tất cả các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia khác ven Biển Đông mà, nếu xét về mặt địa lý, kinh tế, chính trị, lịch sử, chúng hoàn toàn nằm ngoài “thể thống nhất” đó.
Về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Để phân biệt đúng sai về những lập luận ngụy biện của Trung Quốc khi họ tiến hành các hoạt động nói trên, chúng tôi cho rằng chúng ta nên căn cứ vào quy định của UNCLOS 1982, cũng như nội dung liên quan của Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 để xác định các thực thể nào nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã và đang nhảy vào tranh chấp.
Những thực thể nào là bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven Biển Đông.
Điều 55 quy định chế độ pháp lý riêng của vùng đặc quyền về kinh tế: “Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này.”
Theo đó, các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
Điều 56 quy định các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế.
Điều 57 quy định Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Điều 76 quy định Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn…
Điều 77 quy định các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa:
1. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.
2. Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.
3. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.
4. Các tài nguyên thiên nhiên ở phần này bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kỳ có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy hoặc lòng đất dưới đáy hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển.
Lập trường và cách ứng xử trước những hành vi vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982
Đối chiếu với những quy định mà chúng tôi nêu tóm tắt nói trên, có thể thấy rằng Trung Quốc đã và đang tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để tìm mọi cách xâm chiếm bằng vũ lực các bãi cạn, bãi ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988.
Và họ cũng tính toán thực hiện chiến thuật “cháo nóng húp vòng quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở bãi Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, bãi Cỏ Mây…với nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.
Thậm chí, Bắc Kinh còn tìm cách mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý.
Gần đây cùng với lực lượng tàu quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ, tiến hành thăm dò địa chấn bất hợp pháp tại khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân…ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Nơi đây, Việt Nam đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.
Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Trong khi đó, năm 1935, Trung Hoa Dân quốc xuất bản “Biểu đối chiếu tên gọi Hoa-Anh các đảo thuộc Nam Hải Trung Quốc”, trong đó phiên âm tên tiếng Anh Vanguard Bank sang tiếng Trung là bãi Tiền Vệ.
Năm 1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đổi tên tiếng Trung của bãi này thành bãi Vạn An. Tên gọi Vạn An được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục công nhận và sử dụng từ năm 1983.
Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của cái gọi là “quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc.
Để hiện thực hóa yêu sách này, ngày 8/5/1992, một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy Corporation được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155 km2 mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính.
Đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076 km2 biển tại bãi Tư Chính cho doanh nghiệp này.
Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc, trong khi vẫn tiến hành cấp quyền một lô dầu khí cạnh đó cho hãng Mobil của Mỹ.
Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò “lô Vạn An Bắc 21” (theo cách gọi của Trung Quốc) nhưng Việt Nam đã kiên quyết ngăn cản nên công ty này phải dừng hoạt động.
Cũng trong năm này, Việt Nam thuê Công ty Vietsovpetro tìm cách khoan một giếng dầu trong khu vực. Hai năm sau, vào năm 1996, Việt Nam đã ký hợp đồng với hãng Conoco của Mỹ thăm dò dầu khí tại hai lô 133 và 134, bao trùm diện tích 14.000 km2 tại vùng biển hầu như trùng khớp với vùng biển mà Trung Quốc giao cho Crestone năm 1992.
Trung Quốc xem hành động của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị, đồng thời cảnh cáo trực tiếp Công ty Conoco.
Việt Nam cho rằng, không cần phải thảo luận với Trung Quốc về hợp đồng dầu khí, bởi lẽ vùng khai thác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Vì vậy, tại cuộc họp báo ngày 16/7/2019, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam.
Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982…”.
Tuy nhiên,trong bối cảnh khu vực và quốc tế rất nhạy cảm và phức tạp hiện nay, trước những hành vi vi phạm nói trên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là:
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình…” (Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, ngày 16/7/2019).
Đây là chủ trương mang tính nguyên tắc, nhưng khi vận dụng trong thực tế, các lực lượng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn phải xuất phát từ nhưng diễn biến cụ thể về mức độ, phạm vi, tính chất của các vi phạm, tranh chấp… để có phương thức ứng xử thích hợp, hiệu quả, đúng thủ tục pháp lý hiện hành.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, “Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam…” (Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, ngày 16/7/2019).
Tiến sỹ Trần Công Trục
(Theo Giáo Dục Việt Nam)