Chủ tịch Vietravel: “Tôi sợ sẽ không còn ngành du lịch”
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty cổ phần Tiếp thị và giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), lo ngại ngành du lịch sẽ không chống chọi được khi đại dịch bùng phát lúc các doanh nghiệp đang yếu nhất.
Chia sẻ với báo chí về những ngày qua, khi Covid-19 bùng phát với tốc độ nhanh và phức tạp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel nói “không bất ngờ” khi đối diện với đại dịch lần này, nhưng “căng thẳng” khi nghĩ về nó.
Sáng 28/1, Vietravel họp cuộc đầu tiên sau khi bệnh nhân đầu tiên tại Hải Dương dương tính với nCoV được công bố vào đêm 27/1. Mọi quyết định được ban lãnh đạo đưa ra chỉ sau 15 phút, bởi đây đã là lần thứ tư dịch bùng phát. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kịch bản hành động trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, chỗ nào dừng, chỗ nào chờ, tất cả đều được xây dựng từ trước, dù không ai mong muốn phải thực hiện những phương án này”, ông Kỳ cho biết.
Tất cả đoàn du lịch ra miền Bắc của Vietravel phải dừng lại, các đoàn chưa đi sẽ được chuyển hướng. Công ty cũng sắp xếp lại các dòng sản phẩm, hệ thống bán, đưa ra các phương án dự phòng tiếp theo trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. “Đó là tất cả những gì doanh nghiệp có thể làm được”.
Vietravel Airlines là tân binh, vừa cất cánh bay thương mại được vài hôm thì gặp đợt dịch bùng phát mới. Là một trong số ít hãng hàng không trên thế giới ngược chiều cất cánh giai đoạn mà cả ngành gặp khó khăn trầm trọng vì Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của Covid-19 gần đây có thể khiến hãng càng thêm khó khăn.
Ông Kỳ cho biết đã có những phương án hoạt động trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, kể cả việc áp dụng giãn cách xã hội với những thị trường hãng bay này hướng tới.
Nói “không bất ngờ” về diễn biến, song ông Kỳ cho biết không thể lượng hóa được ảnh hưởng của lần bùng phát này.
Giai đoạn Tết nguyên đán là cao điểm các tour du lịch từ khu vực phía Nam ra miền Bắc, mà Quảng Ninh, Vân Đồn là một trong những điểm chính. Ngoài việc phải dừng, chuyển hướng các tour, công ty phải tạm thời cho nghỉ toàn bộ nhân sự tại những khu vực này. Với các tuyến phía Nam, Vietravel cho biết vẫn duy trì nhưng đã xây dựng phương án nếu dịch xuất hiện sẽ xử lý ra sao, để tránh trường hợp “không kịp trở tay”.
“Chúng tôi giờ không thể đưa ra được phương án, khung thời gian khi nào để bắt đầu trở lại, chỉ mong muốn dịch được khống chế sớm. Nếu đúng như kỳ vọng của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khống chế dịch trong 10 ngày thì quá may mắn cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu dịch phức tạp, bùng phát diện rộng, quả thực hậu quả là rất khủng khiếp”, ông Kỳ nói.
Chủ tịch Vietravel nhắc lại tới ba lần từ “khủng khiếp” khi chia sẻ với báo chí, bởi theo ông, dịch xảy ra đúng lúc các doanh nghiệp du lịch đang yếu nhất. Dịp cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp chạy các chương trình quảng cáo rất nhiều, nhưng năm nay, thực sự rất im ắng. Một là họ đã quá yếu, không đủ sức, hai là hết nguồn lực, ba là nhiều doanh nghiệp đã đổi nghề và bốn là họ rời khỏi thị trường.
Sau ba lần dịch bùng phát trước đó, gần như mọi doanh nghiệp, đặc biệt là du lịch, đã tới hạn về sức chống chịu. Như ông Kỳ nói, còn bao nhiêu sức lực, hơi thở đều cố gượng để bung ra trong dịp Tết này, đón đầu sức cầu của thị trường nhưng sự trở lại của Covid-19 đã đảo lộn tất cả.
Chủ tịch Vietravel chia sẻ, lúc này ngành du lịch thực sự cần sự quan tâm của Chính phủ. Là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch nhưng theo ông Kỳ, du lịch cho tới thời điểm này vẫn chưa có một gói cứu trợ nào đúng nghĩa.
“Tôi không biết liệu có còn ngành du lịch nữa không nếu đợt bùng phát này diễn biến phức tạp. Những người như chúng tôi có thể là những doanh nghiệp cuối cùng trong nghề. Giờ đơn vị du lịch còn hoạt động đếm trên đầu ngón tay”, ông Kỳ nói.
Doanh nghiệp lao đao là một khía cạnh, nhưng “khổ nhất”, theo ông, vẫn là người lao động, khi họ đang hy vọng được quay trở lại làm việc thì lại bị gián đoạn. Đến trước Tết năm nay, số nhân lực của Vietravel quay lại làm việc mới đạt 50%.
Từ cuối tháng 2/2020, Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch. Từ tháng 3 đến hết năm, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế. Ngành du lịch buộc phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa, nhờ đó trở thành giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành tồn tại, tuy nhiên chỉ giảm bớt phần nào tác động.
Hoạt động du lịch bị đình trệ dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành trong năm 2020 chỉ đạt 17.900 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm nay ước tính cũng chỉ đạt 510.400 tỷ đồng, giảm 13%.
T.H.