+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan chính thức bị truy tố

Bích Vân - 15/12/2023 14:34

Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan với cáo buộc tham ô chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, hơn 304 ngàn tỉ của Ngân hàng SCB. 85 người khác cùng bị truy tố trong vụ án này với nhiều tội danh.

Tòa nhà văn phòng Vạn Thịnh Phát.
Tòa nhà văn phòng Vạn Thịnh Phát.

Sau hơn một tháng Cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận, ngày 15-12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can trong cùng vụ án.

Nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước…

Những người này bị đề nghị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Trong đó, đáng chú ý, bà Đỗ Thị Nhàn – cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ bị truy tố lớn nhất từ trước tới nay.

Viện kiểm sát truy tố chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng 85 người ra Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử.

Hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan bị cáo buộc được thực hiện như “một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn”. Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” vay, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 304.000 tỉ.

Số tiền nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt từ SCB tương đương 6% GDP Việt Nam, nhiều hơn tổng tài sản của cả 5 tỉ phú giàu nhất Việt Nam cộng lại.

Xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” cả ngàn doanh nghiệp

Cơ quan truy tố, xác định quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Những người được thuê này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

“Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Cụ thể, nhóm định chế tài chính Việt Nam gồm SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó SCB có vai trò “đặc biệt quan trọng”, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong “hệ sinh thái”.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên…

Nhóm các công ty được gọi là “công ty ma” tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hớp tác, thi công…

Tòa nhà Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM.
Tòa nhà Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM.

Mạng lưới công ty tại nước ngoài: Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Quá trình điều tra, công tố đối với vụ án đã cho thấy nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số Văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can. Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

“Quyền lực” tuyệt đối của bà Trương Mỹ Lan thao túng SCB

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2022, chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực”.

Viện kiểm sat cáo buộc bà Lan đã chỉ đạo, điều hành, thực chất là “thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình”. Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB thành lập một số đơn vị chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Nhóm Vạn Thịnh Phát còn thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, chi tiền thuê nhiều cá nhân và câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan, thông đồng với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm, lập khống hồ sơ vay tiền nhằm “rút ruột” ngân hàng SCB.

Kết quả điều tra xác định trong 875 khách hàng đứng tên giúp cho nhóm bà Lan vay 1.284 khoản ở SCB có 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Các pháp nhân đều là công ty “ma”, do bà Lan chỉ đạo cấp dưới dựng lên để đứng tên làm thủ tục giải ngân.

Để có tài sản thế chấp hợp thức các khoản vay với số tiền lên đến hơn 1 triệu tỉ và “rút ruột” ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã dùng nhiều khối tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý và nâng khống giá trị lên nhiều lần.

Với chiêu “mua chuộc” công ty thẩm định giá, tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay khống của Vạn Thịnh Phát đã bị “thổi giá” lên gấp nhiều lần nhằm rút được số tiền lớn.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều