Chủ tịch TP.HCM: Tuyệt đối không xây trụ sở mới khi thành lập TP Thủ Đức
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, khi thành lập TP Thủ Đức, tuyệt đối không xây trụ sở mới vì dễ gây phản cảm cho người dân.
Mới đây, trong buổi làm việc của đoàn công tác Thành ủy TP.HCM với ba quận 2, 9 và Thủ Đức (là ba quận sáp nhập thành TP Thủ Đức), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo như trên.
Theo ông Phong, khi thành lập TP Thủ Đức sẽ tận dụng các trụ sở hiện có để làm việc.
“Tuyệt đối không đầu tư xây mới trụ sở nào, nếu không muốn gây phản cảm cho người dân. Chúng ta tuyên truyền việc thành lập TP Thủ Đức để tạo bước đột phá hơn, góp vào sự phát triển chung cho TP, thì việc gây lãng phí là không nên”, Chủ tịch Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, để TP Thủ Đức đi vào hoạt động, có nhiều việc quan trọng hơn xây dựng mới cơ sở vật chất. Trước tiên, đừng để người dân bị phiền hà trong việc chuyển đổi giấy tờ và không thu lệ phí của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính; ngoài ra, cần lưu ý các vấn đề về môi trường, an ninh…
Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM đã có tờ trình về lộ trình, phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và bố trí trụ sở làm việc của TP Thủ Đức.
Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi) làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức.
Trụ sở UBND quận Thủ Đức hiện tại được kiến nghị trở thành địa điểm làm việc của HĐND và UBND TP Thủ Đức. Trụ sở của UBND quận 9 (phường Hiệp Phú) được đề xuất trở thành nơi làm việc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức.
Theo Sở Nội vụ, phương án này dựa trên sự tính toán về mức độ hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm trong việc sử dụng những công trình hiện hữu.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với ba quận, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, về trụ sở hành chính của TP Thủ Đức, UBND TP.HCM đang bàn bạc lại và xem xét lựa chọn địa điểm phù hợp và thuận lợi hơn.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, TP Thủ Đức được thành lập với quy mô 211,56 km2 diện tích tự nhiên và dân số 1.013.795 người, tương đương với TP Đà Nẵng.
TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TP.HCM, 7% GDP của cả nước. Do đó, công tác tuyên truyền phải tạo cảm hứng để người dân và cán bộ thấy đây là niềm tự hào, đóng góp lớn cho đất nước và TP.HCM bằng công sức của đội ngũ cán bộ và sự góp sức của hơn 1 triệu dân TP Thủ Đức.
Kể từ ngày Nghị quyết “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM”, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 9/12, có hiệu lực thi hành (1/1/2021), TP.HCM chính thức có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Hồ Văn/VNE