+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch TP HCM: Không để huyện chưa lên quận đã sốt đất

14/05/2022 14:14

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu địa phương tuyên truyền, quản lý đất đai, không để huyện chưa lên quận đã sốt đất, gây khó cho triển khai dự án sau này.

Đề nghị được Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi đưa ra tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè, quận 7 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị 9, sáng 14/5. Bởi huyện chưa lên quận, giá đất đã tăng cao sẽ gây khó cho công tác quy hoạch, thu hồi để thực hiện công trình công cộng.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 7 và Nhà Bè, sáng 14/5. Ảnh: Thu Hằng
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 7 và Nhà Bè, sáng 14/5.

Đề án chuyển 5 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố đang được Sở Nội vụ soạn thảo, dự kiến trình HĐND TP HCM vào kỳ họp giữa năm nay. Dựa vào 30 tiêu chí như dân số, diện tích, kinh tế – xã hội, hạ tầng đô thị…, Sở Nội vụ đánh giá Bình Chánh đạt nhiều tiêu chí nhất (26), tiếp đến là Nhà Bè, Củ Chi (23), Hóc Môn (22) và Cần Giờ (19).

Sau khi thông tin trên được công bố, giá đất ở một số huyện đã tăng cao. Điều này giống cách đây 5 năm, giá đất ở các huyện ngoại thành bị đẩy lên do tin đồn về kế hoạch một số huyện thành quận. Khi đó, UBND thành phố đã phải đưa ra nhiều biện pháp “dập tắt tin đồn”.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc xây dựng đề án là định hướng phát triển tương lai của thành phố, không phải năm nay ban hành, năm sau huyện lên quận và thành phố ngay. Việc thực hiện cần có kế hoạch, lộ trình và phải cập nhật vào quy hoạch, có giải pháp cụ thể.

Ông đề nghị lãnh đạo huyện Nhà Bè và quận 7 quan tâm tuyên truyền thông tin về quản lý đất đai và gợi ý học tập kinh nghiệm của Củ Chi ban hành chỉ thị về kế hoạch liên quan lĩnh vực này. Bên cạnh đó, địa phương cần công khai phương án sử dụng đất năm 2022 mà UBND TP HCM đã phê duyệt để người dân biết, thực hiện đúng và giám sát.

Đất vùng ven TP.HCM lên cơn sốt.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói tình trạng dự án chưa có nhưng người đã rao bán nhà, hoặc thông tin không chính xác về dự án để đẩy giá tăng. Hiện, sở kiểm soát việc này thông qua kế hoạch sử dụng đất từng năm được TP HCM phê duyệt.

Ví dụ, năm 2022 huyện Nhà Bè được thành phố duyệt 86 dự án thì các công trình này mới đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thông tin dự án đã đủ điều kiện bán, người dân có thể đối chiếu qua kế hoạch sử dụng đất này kiểm tra tính hợp pháp.

Ngoài pháp lý, thành phố cũng đưa ra bảng giá đất và hệ số điều chỉnh việc thu hồi đất làm công cụ quản lý, người dân có cơ sở so sánh. Nhà đầu tư không thể đưa ra mức giá “vượt hết mọi mặt bằng”, chưa đúng giá thực tế của dự án, khiến người mua thiệt thòi.

Trước đó, một số cử tri băn khoăn kế hoạch các huyện lên quận có thể khiến giá nhà đất ở khu vực tăng nóng. Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa (quận 7) nêu bất động sản là một phần đặc biệt của nền kinh tế quốc gia, nhưng đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là nhiều đại gia, cò đất dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để cung cấp thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất.

“Không chỉ là vấn đề thu lợi mà đây còn là mầm mống phá hoại an ninh kinh tế quốc gia, gây tổn hại cho đất nước”, ông nói và đề nghị kịp thời điều chỉnh hệ thống pháp luật, xử lý người cố tình phá hoại.

Thu Hằng

Bài mới
Đọc nhiều