Chủ tịch TP.HCM cam kết thực hiện nghiêm kết luận thanh tra Thủ Thiêm
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết địa phương sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương hạn chế báo cáo kết quả mà tập trung đi vào những vấn đề còn vướng mắc và kiến nghị giải quyết.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86%; thu ngân sách có hiệu quả, đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán, tăng 7,04% so với cùng kỳ.
Kiến nghị Thủ tướng làm việc với TP.HCM về các dự án chậm tiến độ
Để giải quyết những vấn đề tồn đọng, Chủ tịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Ông cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước TP.HCM giai đoạn 2019-2020. Lãnh đạo TP bày tỏ mong muốn Thủ tướng sắp xếp, có buổi làm việc với TP.HCM vào giữa tháng 7 để tháo gỡ giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận việc quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ ra hàng loạt sai phạm gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước với giá trị lớn.
Theo kết luận, TP.HCM phải thu hồi và hoàn trả ngay 26.300 tỷ đồng đã tạm ứng không đúng quy định từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho khu đô thị này tính đến ngày 30/9/2018.
Đến 31/12, nếu UBND TP.HCM không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý. Cơ quan thanh tra cũng chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.
Thêm cơ chế để đẩy nhanh dự án đầu tư công
Đại diện cho đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, TP vẫn còn một số tồn tại như chỉ tiêu tăng trưởng duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ; công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm; vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm…
Bên cạnh đó, hiện tượng ùn tắc giao thông, các hành vi thiếu văn hóa diễn ra ở nơi công cộng, còn tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, mê tín dị đoan…
Ông Chung cho biết TP sẽ đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch phân khu, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng; tăng cường quản lý khai thác tài nguyên trái phép.
Người đứng đầu chính quyền TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở; sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Chung cũng đề nghị Chính phủ cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng nêu nhiều vướng mắc tại địa phương và kiến nghị Chính phủ có cơ chế giải quyết.
Theo đó, ông Tùng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương chủ động giải quyết một số công việc để đẩy nhanh tiến độ và triển khai thực hiện các dự án sân golf tại các vị trí không phải đất lúa, không phải đất rừng.
Đặc biệt, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ giao cho các TP lớn được chủ động chuyển đổi trên 10.000 ha đất lúa sang thực hiện các dự án công nghiệp không phải xin ý kiến Thủ tướng.
Nhắc đến dự án xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, ông Tùng cho hay dự án này do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện nhưng đang chậm trễ. Trước thực tế sân bay đang quá tải, ông Tùng kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo.
Giống như nhiều địa phương khác đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT, Hải Phòng cũng đang gặp khó trong việc này.
Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành đã tạo cơ sở cho các địa phương thanh toán đối với các dự án ký hợp đồng trước 1/1/2018, còn các dự án ký sau thời điểm này thì chưa thể thanh toán do chưa có quy định cụ thể.
“Việc chậm thanh toán, địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay, nếu kéo dài thì thiệt hại mà TP Hải Phòng phải chịu là tương đối lớn”, ông Tùng nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để sử dụng tài sản công thanh toán cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BT ký sau thời điểm 1/1/2018.
(Theo Zing News)