Chủ tịch TP.HCM: Áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 mà số ca nhiễm chưa giảm
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, dù thành phố áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16, nhưng số ca nhiễm chưa có dấu hiệu giảm. Ông yêu cầu tăng cường thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP.
Sáng nay (28/6), Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì họp giao ban về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, đây là ngày thứ 12 liên tiếp thành phố ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên đến 3 con số mỗi ngày.
“Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Do đó, cả thành phố cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc”, ông Phong chỉ đạo.
Qua đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, ông yêu cầu thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP Thủ Đức, quận huyện để có các giải pháp phù hợp.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, hiện nay, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.
Thực hiện nghiêm phương châm 5 tại chỗ: nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chủ tịch UBND quận-huyện toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong toả các khu vực trên địa bàn.
Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.
Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, Thành phố giao cho Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Sở Y tế tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực trên, những nơi có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga… Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.
Tại các khu cách ly và khu phong toả, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình.
Ông Phong cũng yêu cầu trang bị wifi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly.
Ngoài ra, giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường camera giám sát tại các khu cách ly, kiểm tra theo 3 lớp (bên ngoài, bên trong khu cách ly, giám sát mỗi gia đình).
Trước tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, ông Phong yêu cầu các quận không bố trí khu cách ly tại các trường học. Cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.
Tại các khu cách ly của TP, Bộ tư lệnh là cơ quan chỉ huy, các thành viên gồm các lực lượng Công an, Y tế, chính quyền địa phương, cơ quan Sở Tài nguyên & Môi trường, Thông tin Truyền thông, An toàn Thực phẩm. Các thành viên Ban chỉ đạo sẽ xử lý các vấn đề về phòng, chống dịch tại khu cách ly dưới sự điều phối của quân đội.
Thành lập trung tâm phân tích dữ liệu tại trụ sở UBND TP. Theo đó, Sở Thông tin & Truyền thông cùng Văn phòng UBND TP, Sở Y tế phân công nhân sự trực 24/24, thu thập toàn bộ dữ liệu trên địa bàn và kết nối với Trung ương.
Về tổ chức xét nghiệm, Chủ tịch TP chỉ đạo cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Do đó, phải tập huấn tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn cho những người đi xét nghiệm.
UBND TP.HCM giao Thành đoàn huy động sinh viên của các trường Y, tổ chức thành những đội xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế để hỗ trợ cho các quận, huyện.
Tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong toả, các điểm có nguy cơ cao.
Về chiến lược tiêm vắc xin, ông Phong yêu cầu rút kinh nghiệm các đợt tiêm, từ đó đề ra kế hoạch tiêm vắc xin cho những đợt tiêm chủng tiếp theo.
Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên & Môi trường huy động lực lượng xử lý rác thải nguy hại tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP.
Tính đến 06 giờ ngày 28/6, có 3.535 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố; trong đó: 3.284 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 247 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly.
Trong ngày 27/6, không có bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi là 483. Có 07 bệnh nhân tử vong (BN5463, BN9493, BN11529, BN12007, BN9830, BN9830, BN14456). Hiện đang điều trị 3.045 bệnh nhân dương tính mới.
Hồ Văn