Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam không giấu dịch COVID-19
Quốc tế đặt vấn đề không biết Việt Nam có giấu dịch COVID-19 không, tự đi khảo sát và khẳng định là không có chuyện Việt Nam giấu dịch. Chủ tịch Quốc hội nêu ra khi thảo luận kinh tế – xã hội tại buổi họp tổ Quốc hội chiều 8-6.
Chiều 8-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định kết quả kinh tế – xã hội năm 2019 thắng lợi toàn diện đã làm tiền đề rất tốt cho năm 2020. Do đó, dù nửa đầu năm nay ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển.
Không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
“Tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều yếu tố chưa thể lường định được hết, lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8-7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỉ đồng theo các phương án”, bà Kim Ngân phân tích.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, bội chi năm 2018 theo quyết toán thấp, chỉ 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5%; nhưng năm nay chắc chắn bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện.
Trong đó có gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm mà phải sử dụng nguồn tăng thu năm 2019 và cả nguồn dự toán của năm nay, dùng cả ngân sách trung ương và địa phương…
“Do đó, năm nay Quốc hội nên giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn điều chỉnh chi tiêu cục bộ ở những địa phương, bộ ngành không giải ngân được vốn đầu tư công, hoặc làm chậm”, bà Kim Ngân nói.
Nhân dân ủng hộ, chống dịch thành công
Đề cập đến công tác chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội nêu lại con số: tính cả 2 ca bệnh mới nhất được công bố vào sáng nay thì Việt Nam mới có 331 bệnh nhân, quan trọng hơn là đã hơn 50 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng.
Nguyên nhân của thành công, theo người đứng đầu Quốc hội, là trong phòng chống dịch, Việt Nam có sự đồng thuận rất lớn của nhân dân, bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả.
“Nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế cũng đặt vấn đề không biết Việt Nam có giấu dịch COVID-19 không. Họ tự bình luận, thậm chí tự đi khảo sát một số cơ sở ở Việt Nam, như ở đài hóa thân Hoàn Vũ và các nhà tang lễ và nhận thấy số người chết trong thời gian chống dịch còn giảm hơn khi chưa có dịch. Thế nên họ phải khẳng định là không có chuyện Việt Nam giấu dịch”, bà Kim Ngân nêu ví dụ.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông “như nhát dao chém vào lòng tin”
Phát biểu tại tổ ĐBQH TP Hải Phòng, ông Thuận Hữu (tổng biên tập báo Nhân dân) đề cập đến cơ chế “đón” làn sóng đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam. Ông cho rằng còn những khó khăn, thách thức để có thể đón được “đại bàng” chứ không phải đơn giản.
Ví dụ, các doanh nghiệp lớn không dễ đi khỏi Trung Quốc bởi đây là thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn nguyên liệu phong phú và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Trong khi đó, các quốc gia khác cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng sẽ cạnh tranh với Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển.
Báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn vấn đề này, phải có chiến lược rõ ràng hơn để đón dòng đầu tư dịch chuyển.
Đại biểu Thuận Hữu cũng đề nghị Chính phủ nêu rõ các giải pháp xử lý những vấn đề tồn đọng, gây bức xúc xã hội nhiều năm mà chưa giải quyết được.
“Điển hình là các dự án ngàn tỉ đắp chiếu chùm mền như gang thép Thái Nguyên, nhiệt điện Thái Bình… Tiền đắp chiếu nằm đấy, rồi mất cả cán bộ. Thủ tướng thì rất tâm huyết nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt, cơ chế mắc mớ, khi đặt vấn đề anh quyết anh phải chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết”, ông Thuận Hữu phân tích.
Ông Thuận Hữu dẫn ra một loạt ví dụ: Dự án như nhiệt điện Thái Bình “cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất một ôtô Toyota”. Hay dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông như “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”, chậm trễ, đội vốn, cứ để như vậy dân bức xúc, “thà biến thành bảo tàng đường sắt”.
LÊ KIÊN/TTO