Chủ tịch Quốc hội: Thanh Hóa cần xây dựng cơ chế đặc thù
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế.
Sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 3, thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Đề xuất nhiều cơ chế mở về tài chính, tổ chức bộ máy
Trình bày tờ trình,Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế.
Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán thì mức dư nợ vay tối đa của Thanh Hoá là hơn 7.900 tỷ đồng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng của địa phương.
Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh (khoảng 443 tỷ đồng)…
Cơ chế đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế
Thay mặt Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Phú Cường nhận thấy, mặc dù có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song các cơ chế, chính sách đặc thù về TCNS được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Chưa có cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung như Tờ trình đã nêu.
Vì vậy, Thường trực UBTCNS đề nghị, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính sáng tạo, tránh rập khuôn; cần chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa… để tạo tiền đề cho Thanh Hóa giữ được vị trí là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước và tiếp tục phát triển năng động, bền vững trong những năm tiếp theo.
Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ giải trình thêm nội dung quy về cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến bộ máy, biên chế như Nghị quyết 58 đã nêu. Đồng thời nghiên cứu, có chính sách đặc thù thu hút đầu tư và nguồn lực tài chính từ xã hội, không chỉ từ ngân sách nhà nước…
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tỉnh Thanh Hóa có khát vọng, tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển, và điều đó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại sự kiện năm 1947, Bác Hồ đến thăm Thanh Hóa, Bác nói: “Theo tôi, tỉnh Thanh Hóa muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu nhất định là được vì người đông, đất rộng, của cải nhiều. Chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”; Năm 1960, khi về Thanh Hóa một lần nữa, từ thị xã Thanh Hóa đi Sầm Sơn, Bác có tặng Thanh Hóa hai câu thơ: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp và tiềm năng phát triển của Thanh Hóa”, ông bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình để trao cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa.
Góp ý về nội dung Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với Chính phủ là tổng mức dư nợ vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, và cho rằng, nguồn vay này sẽ do Chính phủ phân bổ và Quốc hội quy định, tức đã được “khoán quản”, không quá trần nợ công.
Đối với bổ sung các mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, Chủ tịch Quốc hội nhất trí song nên điều chỉnh, chỉ ghi không quá 70% và trong điều kiện dự toán ngân sách Trung ương không hụt thu…
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nghị quyết quy định rộng hơn như trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ. Đó là xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội để ban hành một Nghị quyết tốt nhất, đáp ứng cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý cũng như nhu cầu thực tiễn. Dự thảo Nghị quyết quy định thời hạn áp dụng từ 1/1/2022, sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10 tới.
Minh Ngọc