Chủ tịch Quốc hội nói điều băn khoăn khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết với 100% tán thành bổ sung dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Sáng 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% tán thành bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật, trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế VAT
Trong dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), một trong những chính sách được đề xuất là hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế VAT.
Tờ trình của Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể hơn về đối tượng không chịu thuế VAT để bảo đảm khả thi trong thực hiện.
Đưa một số hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; sửa đổi một số quy định để bảo đảm đồng bộ với pháp luật hiện hành; bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế VAT.
Tham gia thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội băn khoăn theo tờ trình thì một trong những mục tiêu đặt ra đối với chính sách là mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.
Tuy nhiên, qua rà soát các nhóm giải pháp được đề xuất để thực hiện chính sách, thường trực ủy ban nhận thấy Bộ Tài chính dự kiến đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế VAT so với quy định hiện hành.
Cụ thể là các khoản phí tại hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, chiến tranh…
Ủy ban cho rằng cần cân nhắc để có cách thể hiện hợp lý hơn về mục tiêu của chính sách. Vì việc bổ sung các nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế như đề xuất có thể không đạt được mục tiêu mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.
Đồng thời, việc đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu thuế dẫn đến chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước thể hiện tại nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và chưa bám sát các quan điểm, định hướng thể hiện trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
‘Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả’
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ điều băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT, nhất là đối với nông sản.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đã làm rất kỹ với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan hóa đơn VAT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này.
“Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả, nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT. Trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa”, ông Huệ lưu ý và cho rằng chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này.
Cùng với đó, theo ông Huệ, cần quan tâm về thuế VAT của thủy điện, nếu phân bổ thuế là không đúng bản chất.
Bên cạnh đó, thuế VAT đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cần được rà soát để sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề thuế VAT với mặt hàng phân bón đã tồn tại từ lâu, đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế.
Mặt khác, quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng “luật khung, luật ống”, nhất là với luật về thuế. Cũng theo ông Huệ, hoàn thuế VAT là vấn đề cần được quan tâm.
Đông Duy