+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Quốc hội: Không để trục lợi chính sách hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19

08/04/2020 13:21

Thường vụ Quốc hội họp bất thường xem xét hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu hạn chế tối đa độ trễ chính sách, không để xảy ra hiện tượng trục lợi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 8.4 /// Ảnh Gia Hân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 8.4

Sáng 8.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay. Do đó, ngay sau khi Chính phủ trình nội dung, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra.

Người bán vé số cảm động khi được hỗ trợ tiền vượt qua cơn khốn khó

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, ngay từ khi cả nước bước vào cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, tư tưởng chỉ đạo và phương châm “chống dịch như chống giặc” được xác định kiên quyết, kiên trì và thực hiện xuyên suốt.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, đoàn kết thống nhất thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đề ra, thực hiện với quyết tâm cao; đồng thời, chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên toàn quốc và kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội: Không để trục lợi chính sách hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19 - ảnh 1
Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được triệu tập sáng 8.4 để xem xét các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Theo bà Ngân, dù vẫn đang trong giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng Việt Nam đã kiểm soát được tình hình với nhiều tín hiệu tích cực: số ca nhiễm mới giảm, số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều quốc gia đánh giá cao.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống của người dân. Đặc biệt là việc Chính phủ chủ động đề xuất đưa ra các chính sách, biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ động thực hiện ngay, kịp thời hỗ trợ người dân

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy sự nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn vất vả trong cuộc sống trong tình hình dịch bệnh, tăng sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội: Không để trục lợi chính sách hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19 - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Bà Ngân đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả, để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn các chính sách tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm, quyết thắng, tin tưởng Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra và thảo luận về các nội dung trong dự thảo.

Trước đó, ngày 6.4, Chính phủ đã có tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng dành để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng.

Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỉ đồng; trong số này ngân sách T.Ư khoảng 22.000 – 23.000 tỉ đồng, phần lớn là từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019; ngân sách địa phương khoảng 13.000 – 14.000 tỉ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 50% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương còn lại.

Số tiền 62.000 tỉ đồng kể trên còn bao gồm hỗ trợ gián tiếp, thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (khoảng 6.500 tỉ đồng); hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).

(Theo TNO)

Bài mới
Đọc nhiều