Chủ tịch Quốc hội: Bà con vùng bão lụt khổ lắm, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chỉ riêng cuối tháng 9, đầu tháng 10, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bây giờ bà con vùng bão lũ khổ lắm, nhà không còn, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống.
Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội. Phát biểu tại tổ Cần Thơ, Hà Nam, Bình Phước và Bến Tre, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu những định hướng quan trọng để các ĐBQH cùng thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đang thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2021, chuẩn bị sơ bộ cho nhiệm kỳ tới để xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo. Chưa có năm nào như năm nay, từ đầu năm diễn biến thiên tai rất bất thường, tác động biến đổi khí hậu. Khi thảo luận về kinh tế- xã hội cần gắn vấn đề này để vừa khắc phục hậu quả, vừa chuẩn bị đề phòng những diễn biến mới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, từ đầu năm đã diễn ra 16 loại hình thiên tai; 9 cơn bão trên Biển Đông bây giờ chuẩn bị bão số 10 gọi là siêu bão Goni; 263 trận giông lốc mưa lớn; 49/63 tỉnh thành phố đều bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ.
“Đồng bằng sông Cửu Long thì bị hạn hán. Quê tôi Bến Tre chưa bao giờ ngập mặn quá dài và sâu, trước đây ngập từ biển lên các nơi 40 km nhưng giờ hơn 100 km. Ảnh hưởng tới cây trái, đời sống của bà con. Rồi sạt lở bờ sông, sụt lún. Riêng cuối tháng 9, đầu tháng 10 miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Trong chỉ đạo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương đã nỗ lực trong phòng chống. Nhưng bây giờ bàn kế hoạch kinh tế -xã hội 2021 thì ĐBQH phải bàn các biện pháp để khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung.
Bây giờ bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống. Những vấn đề đó trong kế hoạch 2020-2021 phải dành nguồn lực, nhất là hiện đang bàn về phân bổ ngân sách Trung ương. Về địa phương, báo cáo với HĐND để phân bổ ngân sách của địa phương theo luật. Chúng ta phải lồng tất cả các vấn đề này để gắn với thực tế. Báo cáo của Bộ NNVPTNT thấy thiệt hại rất lớn. Do đó trước mắt Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để sau khi nước rút không để bị dịch bệnh, đói xảy ra. Nhà cửa bị hư hỏng phải giúp cho đồng bào khôi phục lại. Trước mắt trường học, trụ sở, nhà cửa của dân phải làm cho sạch sẽ để trở lại cuộc sống, chưa bình thường được nhưng cũng phải giảm bớt khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nói tiếp về những vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người ở miền Trung, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề là Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu xem có đúng như dự báo của chúng ta hay không để điều chỉnh?. Thứ hai, cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai để có chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu.
“Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng Chính phủ phải chỉ đạo cho các cơ quan trong đó Bộ NNVPTNT có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ.
Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai. Ví dụ, bây giờ biết những khu dân cư, nơi mưa lũ có thể bị vùi lấp thì phải chủ động ngay. Phải nhanh chóng quy hoach bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy cơ lũ quét trong thời gian tới…
Phải có chương trình di dân ra khởi vùng thiên tai. Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về vấn đề này, thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai. Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý dành ngân sách cho nhiệm vụ này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
(Theo DV)