+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch nước: TP.HCM cần chuẩn bị tâm thế, đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra

16/11/2021 12:23

“Chúng ta không đặt vấn đề sớm thì chúng ta lại bị nặng. Cần tìm ra phương thức phù hợp để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra. 

“Năm 2021, Việt Nam đã vấp phải một đại dịch lớn với hậu quả nặng nề, trên 23.000 người chết cùng nhiều hậu quả lớn về kinh tế, xã hội. Một lần nữa, tôi xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM suốt thời gian dài vừa qua”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn diễn ra sáng 16/11.

Ông nhận định giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài đã làm nhiều trụ cột bị đứt gãy, gây sang chấn tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết, không chỉ trong năm nay mà có thể phải tới năm 2023 mới khôi phục tình trạng bình thường.

Chu tich nuoc tiep xuc cu tri anh 2
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP.HCM, trao đổi với cử tri.

TP.HCM cần lấy lại vị thế

Chủ tịch nước cho biết đã thống nhất với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về việc trao huân chương cho các tổ chức, cá nhân không tiếc sức, tiếc của đóng góp cho thành phố.

Nhân đây, ông đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp TP.HCM, nhất là huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn đã làm tốt công tác hỗ trợ cho người dân, không để ai bị “đói cơm, lạt muối, đứt bữa” suốt thời gian qua. Đặc biệt, huyện Củ Chi không để ai chết vì Covid-19 là một điều đáng khen.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định hậu quả của đại dịch vẫn còn dai dẳng, nhất là chăm lo cho các trẻ mồ côi, người gia neo đơn để họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó chia thành nhiều mục tiêu nhỏ, từng giai đoạn ở cấp ủy, chính quyền để thực thi hiệu quả. Đặc biệt, cấp quận, huyện là đơn vị thực thi chính sách quan trọng nên cần có kế hoạch chi tiết. Tinh thần là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh theo hướng hạn chế ca nặng và tử vong, song song với phục hồi kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP.HCM vì tuyên bố từ rất sớm việc tiêm vaccine cho người lao động trở lại thành phố, cùng với đó là xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Ông kêu gọi doanh nghiệp, cấp ủy chính quyền các địa phương cần chủ động, hiệu quả hơn nữa trong giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của mình. “Tinh thần là khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba để vượt qua”, ông nói.

TP.HCM cũng cần khôi phục các huyết mạch kinh tế chủ yếu để không ách tắc; khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội. TP cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để học sinh quay lại trường học.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra. “Chúng ta không đặt vấn đề sớm thì chúng ta lại bị nặng. Cần tìm ra phương thức phù hợp để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh”, ông nói.

Chu tich nuoc tiep xuc cu tri anh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cần chuẩn bị cho đợt dịch thứ 5 ngay từ bây giờ.

Chủ tịch nước nhắc lại đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã bị thiệt hại quá nặng nề. Do đó, thành phố cần củng cố công tác làm việc từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số, cấp ủy, chính quyền cần nhanh nhạy hơn, làm việc liên tục hơn. Các địa phương có quy mô lớn, lên tới trăm nghìn dân, thì y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình, trạm xã lưu động cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo, không để xảy ra tình trạng xấu, chết người như đợt dịch thứ 4.

“Vấn đề quan trọng là cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TP.HCM trong mọi phương diện”, Chủ tịch nước đặt vấn đề.

Với tinh thần đó, ông gợi ý TP.HCM hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, trong đó chú ý đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách chính sách sâu rộng, hiệu quả, kịp thời. TP.HCM cần tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội, chú trọng hợp tác công tư, tháo gỡ nút thắt; tiếp tục triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế. TP.HCM cũng nên có chuyên đề khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống an sinh xã hội để hoạt động hiệu quả hơn.

Đề xuất tiêm dịch vụ mũi vaccine tăng cường

Phát biểu tại hội nghị, cử tri Trần Thị Cúc, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, đặt vấn đề vừa qua, Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép sản xuất.

“Kiến nghị bộ ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, nghiên cứu để sớm sản xuất, sử dụng vaccine nội địa nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch”, bà Cúc nói.

Một vấn đề khác được các cử tri nêu ra là khó khăn trong quản lý Nhà nước tại địa phương đông dân, địa giới hành chính rộng. Cử tri xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cho biết địa phương này đô thị hóa nhanh, hiện có trên 75.000 nhân khẩu, trên 1.850 ha. Cán bộ quản lý Nhà nước chịu nhiều áp lực khi kiêm nhiệm 2-3 chức danh, đầu việc.

Trước tình hình đó, cử tri đề nghị tăng số lượng cán bộ xã và có chế độ chính sách phù hợp để cán bộ an tâm công tác tốt, cống hiến lâu dài.

Chu tich nuoc tiep xuc cu tri anh 3
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các cử tri đầu hội nghị.

Có quan điểm tương tự, cử tri Hồ Viết Dũng, huyện Hóc Môn, nêu bất cập tương tự khi xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, có 90.000 dân nhưng biên chế cán bộ lúc đầu là 56 người. Sau khi áp dụng Nghị định 34 về sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã thì số biên ché này giảm còn 34 người.

Đội ngũ y tế xã có nơi chỉ có một bác sĩ, có nơi thậm chí không có bác sĩ, không có trưởng trạm. Trong khi đó, đợt dịch vừa qua nhóm này được giao nhiều công việc quan trọng, ví dụ như chăm sóc F0 cách ly tại nhà. Mức lương của nhóm này cũng đang quá thấp, không đủ sống. Ông đề nghị Giám đốc Sở Y tế cần giải quyết ngay bất cập trong lực lượng y tế xã vì đây là việc cấp bách.

Cử tri cũng kiến nghị TP.HCM nên áp dụng luân chuyển bác sĩ từ bệnh viện về y tế cơ sở trong 2-3 năm để chăm sóc sức khỏe người dân. Nguyên nhân là bác sĩ nào cũng muốn về bệnh viện lớn mà ít quan tâm đến trạm y tế phường, xã.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều