Chủ tịch nước: ‘Tôi ngày đêm lo lắng khi dịch bào mòn sức dân và doanh nghiệp’
Phát biểu tại phiên họp tổ TP.HCM chiều 22.7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo lắng trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp.
Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội khoá XV thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Nhận định việc đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt là một trong những thành quả quan trọng nhất, nhưng Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều thách thức trước mắt, nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn đanh hoành hành trong nước và trên thế giới. Chủ tịch nước đánh giá cao TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch.
“Một số đại biểu quốc hội là lãnh đạo TP.HCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng, nhất là khi đợt dịch lần này dịch đã bào mòn sức lực của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Cho rằng giải pháp vắc xin là then chốt, Chủ tịch nước đồng ý thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vắc xin sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng .Chủ tịch nước cũng cho biết, tại kỳ họp này, ông đã đề nghị Quốc hội bổ sung vào nghị quyết kỳ họp nội dung về phòng chống dịch Covid-19, vì Chỉ thị 16 do chính ông ký ban hành khi còn là Thủ tướng nhiệm kỳ trước đã không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình hình hình mới.
Trước đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc xin.
“Đến nay hầu hết vắc xin có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay QH họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch nhưng với biến chủng Delta bây giờ, thì đó có còn là những biện pháp căn bản hay không”, bà Lan băn khoăn.
Mặt khác, ĐB Lan bày tỏ lo lắng về các những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong. “Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân”, bà Phong Lan phản ánh.
Đây cũng là lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân khi ông bày tỏ “rất đau buồn” khi TP.HCM đã có hàng trăm ca tử vong. “Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin nội vào sử dụng. Các nước hiện đã triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”, ông nói.
Minh Ngọc