Chủ tịch nước: Số ca nặng và tử vong do dịch đã ít hơn, TPHCM đi qua đỉnh dịch
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết số ca nặng và tử vong do dịch tại TP.HCM đã ít hơn, TP.HCM đã qua đỉnh dịch nhưng thiệt hại quá lớn khi hàng nghìn người thiệt mạng.
Sáng 9/10, tại đầu cầu Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế trước thềm kỳ họp thứ hai khóa XV theo hình thức trực tuyến.
Dịch Covid-19 và những tác động nặng nề của dịch là nội dung được người đứng đầu Nhà nước dành nhiều thời gian chia sẻ.
TP.HCM đã đi qua đỉnh dịch
Theo Chủ tịch nước, TP.HCM là địa bàn lớn nhất cả nước và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Lực lượng y tế là những anh hùng thầm lặng, dũng cảm hy sinh, cống hiến cùng thành phố chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Lãnh đạo Nhà nước chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào TP.HCM trong đợt dịch vừa qua. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông với vất vả, khó khăn của cán bộ ngành y tế khi ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh.
“Số người tử vong vẫn lớn, số người nhiễm nặng còn nhiều, nhưng có thể nói đỉnh dịch của TP.HCM đã đi qua”, Chủ tịch nước nhận định.
Ông nhấn mạnh trong đợt dịch thứ 4, chúng ta đã huy động nguồn lực lớn về nhân lực, vật lực, song thiệt hại vẫn quá lớn. TP.HCM còn 20.000 bệnh nhân đang điều trị và hơn 22.000 F0 cách ly tại nhà; hơn 15.000 người tử vong; hàng nghìn trẻ em mồ côi…
Cho biết số ca nặng và tử vong do dịch tại TP.HCM đã ít hơn, địa phương đang dần trở về trạng thái bình thường mới, Chủ tịch nước lưu ý không được chủ quan.
Ông nhận định còn nhiều vấn đề phải giải quyết như các vấn đề xã hội, tổn thất tinh thần, chăm sóc sau dịch bệnh… Do đó, với sự lãnh đạo của TP.HCM và Trung ương, ngành y tế cùng ngành lao động còn nhiều việc phải làm để giữ cuộc sống của nhân dân bình yên.
Với mong muốn lắng nghe ý kiến của ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch nước cho biết sẽ tháo gỡ khó khăn, bất cập để sớm đưa TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường.
5 kiến nghị của ngành y tế
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mọi nguồn lực đã được huy động tối đa cho đợt chống dịch nhiều khó khăn, thử thách nhất từ trước đến nay.
TP.HCM nhận được sự chi viện kịp thời về nhân lực, trang thiết bị y tế, nguồn vaccine của Trung ương. Nguồn lực này góp phần to lớn giúp bóc tách F0 khỏi cộng đồng, làm giảm đáng kể nguồn lây, giảm số ca tử vong…
Ông Châu thẳng thắn nhìn nhận hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ những điểm yếu, do đó cần sớm bổ sung cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực y tế cơ sở một cách bền vững.
Hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã còn nhiều yếu kém, cả về con người lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch “Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM” trình UBND TP. Qua đó, ngành y tế đưa ra 5 nhóm kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội.
Một là chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở. Trong đó có chính sách thu hút nhân lực cho các trạm y tế.
Hai là chính sách thu hút y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, tham gia mô hình điều trị F0. Theo đó, cơ sở tư nhân được thu một số loại chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc Covid-19.
Ba là kiến nghị một số sửa đổi liên quan đến Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ví dụ cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về mô hình bác sĩ gia đình, khám bệnh chữa bệnh từ xa; đề xuất cho bác sĩ đa khoa khi mới tốt nghiệp chưa có chứng chỉ hành nghề được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và thực hành tại y tế cơ sở để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Bốn là về chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch.
Cuối cùng là cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công thực hiện tự chủ gặp khó khăn do tác động của đại dịch.
Minh Ngọc