+
Aa
-
like
comment

Đừng mang tư duy “kẻ thù” gán ghép cho Việt Nam

Hải Anh - 27/04/2021 17:07

Vừa qua, trang mạng chống phá Việt Tân đăng tải bài viết có tiêu đề: “Hợp tác toàn diện với kẻ thù” với nội dung bàn luận về phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Diễn đàn Châu Á Bác Ngao. Chúng cho rằng phát biểu của Chủ tịch nước chỉ là “hình thức xu nịnh Trung Quốc khi ông Phúc mới nhận chức vụ mới và không để mất lòng Trung Quốc”. Thậm chí chúng còn lộng ngôn rằng Việt Nam “hèn với giặc” vì “Ngày 12/4, dư luận trong nước rất bức xúc về việc ban Đối Ngoại Trung Ương CSVN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của ĐCS Việt Nam tới ĐCS Trung Quốc”, rằng “Đảng CSVN đã thuần phục Đảng CSTQ”…

Luận điệu xuyên tạc của Việt Tân.
Luận điệu xuyên tạc của Việt Tân.

Thực tế, đây không phải lần đầu các đối tượng lợi dụng chiến lược ngoại giao của lãnh đạo Việt Nam để kích động chống phá. Mặc dù Trung Quốc có thái độ và hành động gây hấn, xâm chiếm chủ quyền Việt Nam trên biển, nhưng không vì thế mà Việt Nam bài xích, tẩy chay Trung Quốc. Nên nhớ rằng Việt Nam chưa bao giờ sợ hãi trước mọi thế lực, lịch sử ngàn năm văn hiến đã minh chứng cho thấy rõ điều đó. Xử trí như thế nào để đảm bảo vừa giữ vững chủ quyền vừa đạt lợi ích kinh tế, thể hiện vị thế của đất nước đó mới là điều quan trọng.

Quan điểm ngoại giao của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, đó là chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các mối quan hệ truyền thống. Kiên trì chủ trương tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đối với một đất nước có vị trí địa lý chiến lược mà các nước lớn luôn thèm muốn như Việt Nam, thì thực hiện chính sách ngoại giao luôn là một thách thức không hề nhỏ. Những khẩu hiệu rỗng tuếch lôi kéo người dân bài xích, những lời chửi bới chính quyền, thực tế chẳng có giá trị gì trong bất kỳ một nền ngoại giao nào, không riêng gì Việt Nam.

Không sơ hở để tạo kẽ hở cho những cái cớ gây xung đột trên Biển Đông, đó là cả một quá trình, kiên trì đấu tranh bền bỉ trên cả mặt trận ngoại giao lẫn thực địa. Bởi chỉ cần Việt Nam xử lý không tốt, thiếu tầm nhìn và nóng vội, thì ngay lập tức phải trả giá bằng biển đảo, thậm chí là xương máu của các chiến sỹ, ngư dân đang ngày đêm phơi mình, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó mới chính là tình yêu Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước, chứ không phải là những lời nói khoa trương, rêu rao “hèn với giặc” của chính những kẻ đã tự tay đánh mất mảnh đất của dân tộc.

Bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta đấu tranh lại bằng luật pháp quốc tế, chứ không phải là những lời kêu gào chống Trung Quốc. Với những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, Việt Nam đang ứng xử rất khôn khéo, có chừng mực, tuân thủ Luật pháp, Công ước quốc tế. Ngay cả khi lý lẽ thuộc về Việt Nam nhưng chúng ta vẫn ứng xử với Trung Quốc rất mềm dẻo theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, cương nhu thích hợp, không để xảy tranh chấp theo đúng ý đồ của Trung Quốc.

Thực tế, Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi trong thế kỷ XXI có quan hệ tốt với gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, bất kể thể chế chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Nhờ chủ trương, đường lối ngoại giao mềm dẻo và rất đúng đắn; chúng ta liên tiếp bình thường hóa quan hệ với hai cường quốc vốn một thời là “cựu thù”, tưởng chừng sẽ không bao giờ đội trời chung. Người Việt đã chủ động trong ngoại giao, khép lại một quá khứ đau thương vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Năm 1991, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, 1995, làm việc đó với Hoa Kỳ.

Chúng ta hãy yêu nước bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tiến hành các hoạt động quyết liệt nhưng khôn khéo trên cơ sở luật pháp quốc tế và huy động sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới để buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hoạt động phi pháp. Với một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, mỗi người dân Việt cần tỉnh táo, đoàn kết để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều