Chủ tịch nước mong các công ty Thụy Sĩ ‘đi tắt đón đầu’ đầu tư năng lượng tái tạo
Phát biểu tại buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ, Chủ tịch nước mong muốn các công ty của Thụy Sĩ đầu tư công nghệ cao, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ ngày 26-27/11 (theo giờ địa phương), tại TP Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực: Hạ tầng, công nghiệp nặng, công nghệ cao, điện, dược phẩm như: ABB, Novatis…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hội nghị COP 26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 nên sẽ không chủ trương phát triển thêm các nhà máy điện than mà tập trung vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi.
Do đó, Việt Nam mong muốn các công ty của Thụy Sĩ đầu tư công nghệ cao, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển hạ tầng để kết nối các vùng kinh tế và mong muốn các doanh nghiệp của Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ, Chủ tịch nước đã đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ quan tâm hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Sĩ tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ có tiếng nói để Chính phủ Thụy Sĩ thực hiện theo hướng này và đồng thời thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại.
Chủ tịch nước đánh giá cao việc doanh nghiệp Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam; cho rằng, điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên; đồng thời rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí sản xuất. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác; đồng thời bày tỏ ủng hộ Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cuộc gặp ông Schneider Ammann, cựu Tổng thống Thụy Sĩ, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ và ông Philipp Roesler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Khoa học Công nghệ Đức (2009 2013), nguyên Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Đức (FDP).
Ông Schneider Ammann và Philipp Roesler đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, nhờ đó vai trò và vị thế của Việt Nam đã được khẳng định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tin tưởng rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và Đức còn rất lớn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn ông Schneider Ammann đã dành những tình cảm và sự ủng hộ tích cực đối với việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam-Thụy Sĩ trong nhiệm kỳ ông làm Tổng thống và Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn với vai trò và uy tín của mình cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ, ông Schneider Ammann tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế ưu tiên và thương mại song phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Philipp Roesler vừa được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ, hoan nghênh ông đã tích cực thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp Đức và Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam.
Ông Philipp Roesler khẳng định Việt Nam là đất nước gắn bó đặc biệt với ông và sẽ làm hết mình để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu nói chung và với Thụy Sĩ nói riêng. Với trọng trách của mình hiện nay, ông Philipp Roesler đã tích cực quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới các doanh nghiệp Đức và Thụy Sĩ, cá nhân ông cũng đã tham gia Ban quản trị của các tập đoàn VinaCapital và Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ông Schneider Ammann và ông Philipp Roesler tích cực ủng hộ việc thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Cựu Tổng thống Schneider Ammann và ông Philipp Roesler đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định với uy tín và ảnh hưởng của mình, hai ông sẽ nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy sớm kết thúc tiến trình đàm phán thương mại tự do nói chung cũng như tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước nói riêng.
Minh Ngọc