Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Không để chậm trễ trong vận chuyển bệnh nhân F0
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiểm tra tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Đây là trung tâm được nâng cấp chuyển đổi từ Trung tâm cấp cứu 115 nhằm tăng khả năng điều phối cấp cứu tại TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, cho biết, tính đến sáng 27/7, thành phố có trên 68.000 người mắc Covid-19 và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong khi 38 bệnh viện trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân của thành phố đã tiếp nhận gần hết công suất thu dung, điều trị.
Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó. Từ 6 đường truyền trước đây, trung tâm đã nâng lên 14 đường truyền tổng đài viên, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu các cuộc gọi về. Trước đây, mỗi ngày trung tâm có khoảng 1.200 cuộc gọi thì hiện nay lên 5.000 cuộc gọi.
Trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần.
Về nhân sự tại trung tâm dã chiến, có 20 người là lực lượng nòng cốt và cần thêm 100 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) để huấn luyện cấp tốc, có thể nghe điện thoại xử lý các thông tin. Hiện đã có 30 sinh viên tình nguyện tham gia tại Công viên Phần mềm Quang Trung và sẽ được tạo “vùng xanh”, mọi người thực hiện “ba tại chỗ” để đảm bảo hoạt động.
Dự kiến ngày mai (28/7), Tổng đài 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ đi vào hoạt động. Trước mắt sẽ có 16 đường truyền được vận hành, khi nhân sự tăng lên sẽ vận hành cả 40 đường truyền.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Duy Long cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là không đủ xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân. Xe cứu thương ngoài vận chuyển bệnh nhân còn phải làm các công tác khác như đi làm xét nghiệm, tiêm vaccine… Ngoài ra, các xe cứu thương hiện nay thuộc quản lý của các bệnh viện quận huyện, trung tâm y tế, bệnh viện công, bệnh viện tư nhân. Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ quản lý 23 xe, trong ngày hôm nay có thêm 6 xe vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của các quận huyện.
Theo lộ trình tăng xe cấp cứu thêm, thành phố đã chỉ đạo cấp tập trang bị thêm bổ sung xe cho Trung tâm cấp cứu 115, gồm xe tài trợ của tập đoàn đơn vị.
Hiện Sở Y tế TP có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế, với khoảng 200 xe,
gồm có tài xế, nhân viên y tế theo xe, mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Các phương tiện này gắn chặt địa bàn quận huyện thông qua cơ sở cách ly quận huyện. Người dân có nhu cầu gọi điện cho Tổng đài 115 hoặc cơ sở cách ly quận huyện có nhu cầu chuyển bệnh nhân gọi điện cho 115, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận và điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.
Việc huy động nhân sự, phương tiện vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với Tổng đài 115 mới hiệu quả, trước mắt sẽ có 50 xe taxi chuyển đổi thành xe y tế. Hiện thành phố cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực, đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP.Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) để đồng bộ các đầu mối. Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho Trung tâm cấp cứu 115 và trung tâm cần thống kê các nhu cầu phục vụ hoạt động của trung tâm.
“Phải thực hiện đồng bộ, từ tổng đài tiếp nhận đến phương tiện vận chuyển và bệnh viện tiếp nhận để thực hiện tốt, bởi vấn đề này liên quan đến tính mạng của người dân. Hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị các bệnh viện để nâng khả năng điều trị. Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân F0”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Quang Huy