Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo về dịch Covid-19 vì Hà Nội rất đáng lo lắng
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu bắt buộc tất cả các tòa nhà cao tầng, chung cư phải có xà phòng, nước khử khuẩn để người ra, vào thang máy sử dụng phòng Covid-19.
Phải rà soát tất cả công dân Việt Nam đi từ các vùng dịch về từ ngày 18/2 trở lại đây
Phát biểu tại cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều nay (23/2), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Chung, tại Hàn Quốc hiện đã nâng lên mức cảnh báo mức độ cao nhất, riêng với các địa phương có dịch là Daegu và Gyeongsang đã gần như tiến hành các biện pháp cách ly, cấm người dân ra đường.
“Tại Hàn Quốc thấy diễn biến dịch tiến triển rất nhanh. Chỉ cách đây 3 tiếng là 556 nhưng đến giờ này là 602 trường hợp nhiễm Covid-19 và còn gần 7.000 người chờ kết quả. Số người chết tại nước này là 5.
Còn tại Iran là một nước nóng, mới 28 người nhiễm bệnh đã có 8 người chết, tỷ lệ lên đến 8% và có thể nói diễn biến rất phức tạp”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng nêu lại bài học của tàu Diamond Princess, từ khi chính quyền Hồng Kông thông báo 1 trường hợp nhiễm Covid-19 đến khi cập cảng có 72 tiếng đồng hồ không có phản ứng gì liên quan đến cách ly, thông báo.
Trong 72 tiếng đó, các du khách trên tàu vẫn đi quán bar, nhà hàng, ăn buffet chung, nên đến lúc thông báo cách ly ngay trên tàu đã không còn kiểm soát được.
“Như thế để thấy, diễn biến lây nhiễm của dịch bệnh này là hết sức phức tạp chứ không như chúng ta nghĩ. Do đó, chúng ta phải cập nhật thường xuyên”, ông Chung nêu.
Ông Chung nhắc lại trường hợp 1 nhà khoa học Hàn Quốc đến Singapore và về quê đã khiến 5 người nhà dương tính với Covid-19 nhưng không hề có triệu chứng, biểu hiện gì.
“Có nghĩa toàn bộ quá trình ủ bệnh, lây nhiễm không có biểu hiện gì liên quan. Việc này cho thấy, vấn đề lây nhiễm chéo chưa xác định được rõ và vô cùng nguy hiểm”, ông Chung nói thêm.
Theo người đứng đầu UBND TP Hà Nội, địa bàn thành phố được đánh giá có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bởi đông dân cư, nguồn đi lại từ các vùng dịch.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, dù chưa có chỉ đạo của Chính phủ coi Hàn Quốc, Nhật Bản như vùng dịch nhưng với diễn biến phức tạp thì chúng ta phải chủ động.
Trong đó, xác định trên nội địa giờ đây Hàn Quốc là số 2 (sau Vũ Hán), thứ 3 là Nhật Bản, thứ 4 là Hồng Kông, thứ 5 là Đài Loan, thứ 6 là Singapore, thứ 7 là Ý; thứ 8 là Pháp.
“Qua 8 địa bàn này, chúng ta thấy Hà Nội thêm nguy cơ lây nhiễm chéo là rất lớn. Trong thời gian vừa qua mới rà soát nắm tình hình chứ chưa có biện pháp gì như cách ly như đối người đến từ Hàn Quốc trong 1 tuần vừa qua, nên chúng ta không được chủ quan”, ông Chung yêu cầu.
Dẫn lại việc gần 2.000 cán bộ ngành y của Vũ Hán đã nhiễm bệnh, nhiều người chết và bệnh viện của Hàn Quốc chỉ có 1 người nhiễm bệnh nhưng khiến hàng trăm người, 7 bác sĩ, y tá lây, ông Chung chỉ rõ, các cán bộ phải thuộc bài, nếu không nguy cơ rất cao.
Cũng theo Chủ tịch Chung, không kể khách du lịch, Hà Nội thường xuyên có khoảng 20.000 – 25.000 người Hàn Quốc cư trú. Ông đề nghị các quận, huyện phải tiếp tục tuyên truyền bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn để người nước ngoài ở Việt Nam đồng thuận với các biện pháp phòng dịch, tránh trường hợp bị phản ứng về mặt ngoại giao.
Ông Chung đề nghị truyền thông nâng mức cảnh báo lên vì hiện Hà Nội rất đáng lo lắng.
Theo ông Chung, không loại trừ trong ngày mai, Chính phủ nâng mức cảnh báo, kiểm soát liên quan đến những du khách bao gồm cả công dân Hàn Quốc và Việt Nam từ vùng dịch các nước trở về.
Do đó, ông giao Công an thành phố chủ trì tổ chức rà soát nắm tình hình tất cả khu vực có người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc với phương châm “đến từng nhà rà từng hộ và dứt khoát phải có danh sách”. Bên cạnh đó, khách sạn phải ghi lại lịch trình đi lại của công dân các nước.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu, từ giờ phút này, với các công dân Việt Nam đi từ các vùng dịch về từ ngày 18/2 trở lại đây, phải rà soát, tuyên truyền để họ tự giác thông tin đến cơ quan y tế giám sát về quá trình đi lại, dấu hiệu bệnh.
6 yêu cầu bắt buộc nếu cho học sinh đi học trở lại
Đối với việc chuẩn bị các điều kiện cho các học sinh đi học, ông Chung cho hay, trong 2 ngày cuối tuần, các quận huyện đã phun khử khuẩn lần thứ 4 ở các trường học, nhưng đề nghị tiếp tục trong tuần tới chuẩn bị kỹ lưỡng và bắt buộc phải thực hiện 6 điểm:
Nếu quay trở lại học bắt buộc tất cả các lớp phải có nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt trước khi vào lớp và trước khi về, có ghi nhật ký rõ ràng.
Bắt buộc có xà phòng, nước rửa tay và khử khuẩn trước khi vào lớp, khi ra về.
Tập huấn thành thạo cho giáo viên, cách ứng xử khi học sinh có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Phải có đủ điều kiện liên quan đến khử khuẩn, vệ sinh lớp học. Sau mỗi buổi học đều tiến hành vệ sinh trang thiết bị, lớp học và trong trường hợp đi học phải duy trì đến khi có thông báo mới của thành phố.
Không chào cờ toàn trường mà chào cờ trong lớp.
Có thể bố trí giờ nghỉ giải lao các lớp lệch giờ nhau và cố gắng các cháu không nên tập trung đông ngoài sân. Ngoài ra, tất cả các trường mầm non, các trường ăn bán trú bố trí thế nào đó nhưng không ngồi quá đông, hoặc cho ăn chênh giờ nhau.
Ông Chung nhấn mạnh đến việc quyết liệt, nghiêm túc, không được chủ quan nhưng không hoang mang, không dao động, luôn luôn chủ động ứng phó với mọi tình hình dịch bệnh.
Ông yêu cầu các quận huyện giao cho lực lượng công an, văn hóa, chính quyền các phường cần cảnh báo các quán bar, karaoke, các quán bar trá hình phải hạn chế tụ tập chứ không cẩn thận thành ổ dịch. Bắt buộc tất cả các tòa nhà cao tầng, chung cư phải có xà phòng, nước khử khuẩn để người ra, vào sử dụng.
Góp ý kiến về chuyên môn tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền lưu ý: Khả năng kiểm soát dịch tới đây khó khăn và việc tái phát dịch ngoài Trung Quốc là cao. Do đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ rà soát với Bộ Y tế về việc cách ly với những người đi về từ các nước có dịch như Nhật, Hàn, Singapore và sẽ thông báo cụ thể để các địa phương tiến hành cách ly theo quy định.