+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc bị chỉ trích vì tư thế ngồi khi tiếp LĐBĐ Việt Nam

Phạm Hùng - 08/02/2022 09:46

Sau thất bại bất ngờ trước đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Trung Quốc nhận cơn mưa chỉ trích của người hâm mộ. Các bình luận viên, phóng viên thể thao tìm nhiều cách để lý giải hoặc đổ lỗi cho kết quả của đội tuyển nước nhà. Đến ngay cả dáng đi, cách ngồi của lãnh đạo đội tuyển cũng được đưa ra phân tích, bình luận.

Cách ăn mặc và tư thế ngồi của Trần Tuất Nguyên bị truyền thông Trung Quốc phê phán kịch liệt.

Vào ngày 3/2/2022, trên trang báo mạng Sohu của Trung Quốc có đăng tải nội dung cho rằng: Đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc đã kết thúc trận đấu vòng sơ loại World Cup tại Việt Nam khi để thua liên tiếp hai trận sân khách trước Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt là trận thua lịch sử trước đội tuyển Việt Nam là không thể chấp nhận được đối với đông đảo người hâm mộ bóng đá nước nhà. Việc đội bóng bị coi là hạng ba châu Á này có thể hủy diệt đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc thực sự khiến chúng ta cảm thấy đội tuyển bóng đá quốc gia đã trở thành một đội bóng hạng bét có thể bị những người khác mặc sức tàn sát. Trong ngày Mồng Một Tết rất quan trọng, bóng đá Trung Quốc lại một lần nữa phụ lòng cổ động viên, thật là khó có thể chấp nhận.

Theo những hình ảnh mới nhất được truyền thông Việt Nam công bố mới đây, trong chuyến sang Việt Nam tham dự vòng sơ loại thế giới, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Trung Quốc và Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm phát triển bóng đá và học hỏi lẫn nhau. Xét cho cùng, là các đội bóng đồng hạng ở châu Á, giữa hai đội cần phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm mới có thể thúc đẩy sự tiến bộ chung; nhưng trong quá trình tham dự cuộc tọa đàm này, Chủ tịch CFA Trần Tuất Nguyên lại ăn mặc rất tùy tiện. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì mặc áo vest và đeo cà vạt, còn Trần Tuất Nguyên thì mặc đồ thể thao, có thể thấy rõ là không hề phù hợp với lễ tiết.

Thứ hai, trong những bức ảnh được công bố, Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Trần Tuất Nguyên dường như thể hiện một thái độ rất kiêu ngạo trong toàn bộ cuộc tọa đàm trao đổi. Ông ấy ngồi bắt chéo chân chữ “Ngũ” và một tay choàng lên lưng ghế sofa, giống như một đại ca đang đưa ra lời khuyên cho tiểu đệ. Chúng ta có thể nhận thấy các quan chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam rất khiêm tốn, họ ngồi rất nghiêm trang, tôn trọng Trần Tuất Nguyên, nhưng Trần Tuất Nguyên, với tư cách là đại diện của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc lại có một phong thái rất thất vọng.

Một phong cách như vậy, ngay cả cổ động viên Trung Quốc cũng không chịu nổi, huống hồ là các cổ động viên Việt Nam. Nhiều người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đã ném đá gay gắt ông Trần Tuất Nguyên trên mạng xã hội, cho rằng ông ta đã làm mất hết thể diện của bóng đá Trung Quốc.

Trong buổi tọa đàm, hai bên cũng đã trao đổi quà tặng. Trong khi lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tặng một bức tranh Chùa Một Cột, danh thắng của Việt Nam thì Trần Tuất Nguyên đã tặng một chiếc áo đấu số 10 của đội tuyển bóng đá quốc gia có in tên “Chen Xuyuan” cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Sohu viết: Không biết người nhận chiếc áo đấu này thì sẽ hiểu nó mang ý nghĩa gì. Có lẽ cái tên này đánh dấu chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc của họ là một thời khắc lịch sử, nhưng ông Trần Tuất Nguyên thì không biết rằng vào thời điểm này ông ta đã thực sự khiến bóng đá Trung Quốc đã thua về bóng đá lại còn thua cả về người. Ông Trần Tuất Nguyên nên hiểu rằng ông ấy đại diện cho toàn bộ Liên đoàn bóng đá Trung Quốc vào lúc này chứ không phải cá nhân ông. Quả thực là quá tùy tiện, thực sự không biết Liên đoàn bóng đá Việt Nam và giới truyền thông nước này sẽ nghĩ gì.

LĐBĐ Việt Nam tặng tranh Chùa Một Cột cho LĐBĐ Trung Quốc.

Trang báo mạng Sohu viết thêm rằng: Ông Trần Tuất Nguyên trao tặng áo đấu của tuyển Trung Quốc cho đối tác, nhưng chiếc áo đấu số 10 này không in tên người phụ trách Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà lại in tên của Trần Tuất Nguyên, điều này khiến những người hiểu biết không biết nên cười hay nên khóc.

Khi mọi người xem các giải bóng đá châu Âu hoặc các đội tuyển quốc gia khác khi gặp nhau như vậy, có thể thấy quà tặng thường là một chiếc áo đấu có in tên của người lãnh đạo phía bên kia hoặc một chiếc áo đấu của ngôi sao cốt lõi của đội mình. Rõ ràng, động thái này của Trần Tuất Nguyên hoàn toàn không phù hợp với bất cứ tập quán nào. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chế nhạo, viết: “Trần Tuất Nguyên, ông là cái thá gì? Trước đây, ông chẳng qua là lãnh đạo của một công ty, sao ông lại in tên mình lên chiếc áo đấu tuyển quốc gia và trao nó cho đối phương một cách hoành tráng?”. Một người phải tự đề cao mình đến mức nào mới có thể làm được một việc như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngay cả chi tiết tặng áo đấu cũng phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Trung Quốc.

Ông Trần Tuất Nguyên tặng áo đấu của đội tuyển Trung Quốc nhưng in tên mình cho ông Trần Quốc Tuấn .

Sở dĩ bóng đá Trung Quốc có kết quả như ngày hôm nay, thực ra qua hành vi của ông Trần Tuất Nguyên khi tham gia cuộc tọa đàm lần này, dường như chúng ta có thể tìm ra manh mối nào đó. Trong làng túc cầu châu Á, Trung Quốc dường như tự đặt mình vào một tư thế cao ngạo, vẫn cho rằng bóng đá Việt Nam kém cỏi hơn, nhưng thực tế chúng ta đã bị đối thủ đánh cho tan tác, nếu không biết nhận ra cách biệt và tiếp tục tự đặt mình cao hơn thì bóng đá Trung Quốc có lẽ không thể thoát khỏi vũng bùn hiện tại trong thời gian ngắn.

Ông Trần Tuất Nguyên, sinh năm 1956, kĩ sư kinh tế, chủ doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải, hiện là Hội trưởng Hiệp hội Cảng Trung Quốc. Ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) từ tháng 8/2019. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của CFA không xuất thân từ giới thể thao và cũng là Chủ tịch chuyên trách đầu tiên của CFA.

Sau khi đội tuyển Trung Quốc chính thức không còn cơ hội được tham dự vòng chung kết World Cup Qatar 2022, dư luận người hâm mộ Trung Quốc rộ lên ý kiến yêu cầu cải tổ CFA và đòi ông Trần Tuất Nguyên từ chức.

Nói chung, đại diện các đội tuyển quốc gia Trung Quốc sau này khi gặp đội tuyển Việt Nam chắc rất cần để ý dáng đi và cách ngồi nói chuyện. Thắng thì không sao, đến khi thua thì sẽ là câu chuyện để truyền thông chỉ trích. Bất kỳ hành động nào không hợp nhãn cũng dễ trở thành vấn đề được đưa ra mổ xẻ.

Phạm Hùng

Bài mới
Đọc nhiều