+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch huyện nói gì vụ ‘khuyên’ doanh nghiệp đi làm phải có phong bì?

Sơn Ca - 07/04/2021 16:10

Ông Đặng Thanh Nam – Chủ tịch UBND huyện Kon Plong, Kon Tum, giải thích với phóng viên Tiền Phong rằng, nội dung “khuyên” doanh nghiệp đi làm phải có phong bì trong một video là “cắt dán”.

Ông Đặng Thanh Nam phát biểu trước nhiều doanh nghiệp tại quán cà phê Bạch Dương. Ảnh cắt từ YouTube

Ngày 7/4, dư luận đang “nóng” trước một video ghi hình ảnh, cùng một số bài báo đăng tải thông tin cho rằng ông Nam trong buổi cà phê với nhiều doanh nghiệp vào cuối tháng 3/2021 đã nói rằng: “Khi đi làm việc phải có phong bì, phong bao thì công việc mới thông”.

Địa điểm ông Nam phát biểu trong đoạn video nêu trên được cho là tại quán cà phê Bạch Dương, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong.

Trước thông tin trên, ông Nam giải thích với phóng viên rằng, nội dung trong đoạn video “đã bị cắt dán”. Ngoài ra, ông Nam cho biết đang làm văn bản phản hồi, xử lý trước thông tin trên.

Phóng viên sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ quan điểm này!

Điều 354 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

Bài mới
Đọc nhiều