Chủ tịch huyện Kim Sơn mang người dân làm trò đùa trái pháp luật
Sau khi chỉ đạo đập phá công trình nuôi thủy sản của người dân không theo quy định của pháp luật, bị phản ánh, chính quyền huyện đi vận động người dân ký cam kết và “ngấm ngầm” tiếp tục cho xây dựng lại.
Luật không cho phép nhưng… huyện vẫn làm
Như đã phản ánh, trước đó một số hộ dân có đầm ao nuôi trồng thủy sản tại bãi ngang xã Kim Đông cho biết, vào ngày 22/12/2019, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã dẫn một đoàn cán bộ, trong đó có cả lực lượng Công an với máy móc tiến hành cưỡng chế phá dỡ các công trình bể nuôi sản xuất hàu giống của nhiều người dân tại đây.
Điều lạ là, khi tiến hành cưỡng chế, UBND huyện Kim Sơn cũng như UBND xã Kim Đông không hề lập biên bản vi phạm hành chính hay ban hành quyết định cưỡng chế mà ngang nhiên mang máy cuốc vào san ủi các công trình phục vụ nuôi hàu giống của người dân đã xây trước đó.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Thanh tra ngày 20/1, ông Sơn cho biết, ngay khi báo chí phản ánh, tổ công tác của huyện đã mời các hộ dân lên và đến nay đã có 39 hộ dân ký cam kết, nếu xây dựng thì khi Nhà nước thu hồi sẽ không được đền bù.
Thời gian qua, tổ công tác của huyện đã lập 175 biên bản vi phạm hành chính, nhưng tuyệt nhiên không ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào?
Điều đó cho thấy, UBND huyện Kim Sơn tiến hành cưỡng chế là có kế hoạch từ trước và rất rõ ràng, các trường hợp vi phạm đã được lập biên bản vi phạm cụ thể, chỉ có điều chưa ban hành quyết định cưỡng chế mà thôi.
Ngày 20/1, phóng viên có mặt tại hiện trường những hộ bị cưỡng chế hôm 22/12, điều ngạc nhiên là các hộ dân ở đây lại đang được tiếp tục xây dựng bình thường.
Người dân cho biết, đã tiến hành xây dựng được hơn một tuần. Tức là sau thời điểm huyện gọi lên ký cam kết.
Theo luật sư Nguyễn Đông Khánh (Văn phòng Luật sư Việt Quốc, Đoàn Luật sư Hà Nội): Trên cơ sở thông tin người dân phản ánh về việc UBND huyện Kim Sơn tự ý cưỡng chế, phá hủy công trình của người dân mà không có bất kỳ một văn bản về việc lập biên bản vi phạm, ra Quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả là có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật.
Quy trình xử phạt hành chính thông thường phải tuân thủ theo các bước như sau: Lập biên bản đối với người có hành vi vi phạm hành chính; Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt; Người vi phạm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cũng theo luật sư Khánh, trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (phải có biên bản).
Qua đó, luật sư Khánh nhận định, nếu chiếu theo khoản 9 Điều 125 Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định, các hành vi đập, phá hủy tài sản của người dân khi không có biên bản, quyết định xử phạt đều là hành vi không tuân thủ pháp luật.
“Luật xử phạt vi phạm hành chính không có quy định nào cho phép lực lượng chức năng được tự ý đập, phá hủy hay thu giữ tài sản của người dân mà không lập biên bản hay có quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Khánh khẳng định.
Nêu quan điểm liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn tự “đẻ” ra cấp hành chính mới, Luật sư Khánh cho rằng, việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng, bởi không một cơ quan nào được đứng trên pháp luật.
Do đó, trường hợp này người dân có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân để yêu cầu UBND huyện Kim Sơn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do việc cưỡng chế trái pháp luật và tố cáo đến Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về mặt hình sự.
Thêm cấp hành chính nhưng… cả huyện không biết
Ngày 19/7/2019, ông Đỗ Hùng Sơn với tư cách Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã ký Quyết định số 3328 về việc thành lập “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”.
Quyết định không đúng quy định của pháp luật của ông Chủ tịch huyện đã được gửi tới Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND huyện, Đồn biên phòng Kim Sơn, các Phòng ban của huyện Kim Sơn, nhưng không hiểu sao không một cá nhân hay tổ chức nào hay biết!?
Quyết định 3328 được tham mưu bởi Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Chánh Văn phòng HĐND & UBND, có thể sau đó còn qua Trưởng phòng Tư pháp huyện Kim Sơn thẩm định nhưng không hiểu sao vẫn bị “lọt lưới” và được ban hành mà cả hệ thống chính trị tại huyện Kim Sơn lại không hề hay biết hoặc có ý kiến gì?
Ngày 19/12/2019, ông Đỗ Hùng Sơn tiếp tục ký Quyết định số 6126 về việc thành lập thêm Tổ công tác tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý quản lý Nhà nước khu vực bãi nổi ven biển từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi và diện tích đất đơn vị 1080 bàn giao cho huyện Kim Sơn (gọi là Tổ công tác Kinh tế biển) trên cơ sở cả các thành viên đã có của Tổ công tác theo quyết định 3328 trước đó.
Tổ công tác có sự tham gia của các thành viên chủ chốt như: Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng; ông Ngô Quang Vinh, Phó trưởng Công an huyện; ông Trịnh Văn Thành, quyền Đồn trưởng Đồn Biên phòng; ông Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng phòng Tư pháp huyện… là tổ viên.
Việc bất tuân luật pháp của chính quyền huyện Kim Sơn trong quá trình thực thi công vụ đã gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, làm dư luận bức xúc.
Trước sự việc trên, thiết nghĩ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn và cán bộ, công chức có liên quan trong thực thi nhiệm vụ, làm rõ và cương quyết xử lý triệt để, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Thành Nam – Nam Dũng