Chủ tịch Hội Truyền nhiễm VN lý giải nguyên nhân virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương toàn bộ cơ thể
Theo GS Kính, các protein S của virus SARS-CoV-2 gắn với thụ thể ACE- 2 mà thụ thể này có mặt ở nhiều loại tế bào như: phế nang, thận, ruột, tế bào gan và cả tương bào nên virus có thể gây tổn thương cho toàn cơ thể.
Virus tổn thương tất cả các cơ quan
Theo thông kê của Bộ Y tế tính tới 6 giờ ngày 17/7, Việt Nam có tổng số ca nhiễm lên tới con số 46.292 ca mắc Covid-19. Số ca mắc Covid-19 hiện nay vẫn tập trung ở TP HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cho số ca bệnh trong đợt 4 tại Việt Nam tăng cao vượt xa 3 giai đoạn trước.
GS. Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam phân tích, virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gen tạo ra nhiều genotype mới. Tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng khác với virus ban đầu. Chủng phổ biến hiện nay là D614G, B1.17, B1617.2. Trong đó chủng Delta (B1617.2) đang xuất hiện ở phần lớn ổ dịch lớn tại Việt Nam.
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào đường hô hấp. Các protein S của virus gắn với thụ thể ACE- 2 trên bề mặt tế bào biểu mô phế quản của người, giúp chúng xâm nhập vào cơ thể vật chủ. Do thụ thể ACE-2 có mặt ở nhiều loại tế bào như: phế nang, thận, ruột, tế bào gan và cả tương bào nên SARS-CoV-2 còn có thể gây tổn thương cho toàn cơ thể.
Theo GS Kính thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình 5- 7 ngày. Bệnh khởi phát khi có: sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi… Hầu hết các bệnh nhân có chỉ bị sốt nhẹ, ho, mệt mỏi và không bị viêm phổi và tự hồi phục sau 1 tuần. Một số trường hợp có viêm kết mạc, dấu hiệu viêm đỏ các đầu ngón chân…
Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp nặng sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm-toan, rối loạn đông máu, trầm cảm, rối loạn tâm lý, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong.
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Phân loại lâm sàng sẽ có 5 mức độ:
– Không triệu chứng: xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
– Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính
– Mức độ vừa: Viêm phổi
– Mức độ nặng- Viêm phổi nặng
– Mức độ nguy kịch : ARDS, Sepsis, sốc. Ở trẻ em, bệnh cảnh giống như KAWAZAKI
Phân biệt Covid-19 với bệnh truyền nhiễm khác
GS Kính lưu ý cần phải phân biệt chẩn đoán với: Cúm nặng; Viêm phổi không điển hình; Nhiễm trùng huyết gây suy thận và suy hô hấp; Bệnh tay chân miệng biến chứng gây suy thận và suy hô hấp ở trẻ em; Biến chứng của các bệnh nền kèm theo.
Phó CT Hội Truyền nhiễm VN: Phát hiện virus SARS-CoV-2 từ khi không có triệu chứng là chúng ta đã đi sớm hơn một bước Sáng 17/7: Cả nước có thêm 2.106 ca mắc Covid-19 mới, tổng số ca mắc đã lên tới 46.292 ca Bộ Y tế cho phép dùng xuyên tâm liên để điều trị Covid-19 triệu chứng nhẹ
Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay vẫn chủ yếu là nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng giữ ấm. Điều trị triệu chứng: Hạ sốt giảm ho. Uống đủ nước, cân bằng dịch, điện giải, dinh dưỡng, và nâng cao thể trạng. Tư vấn, hỗ trợ, điều trị tâm lý. Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, phát hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn.
GS Kính cảnh báo, khoảng 10% tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là nhân viên y tế. Tại Việt Nam có 39 trường hợp bác sĩ mắc Covid-19. Nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở y tế là rất cao: Từ bệnh nhân sang thầy thuốc; Từ Thầy thuốc sang bệnh nhân; Từ cán bộ y tế/người phục vụ cách ly bị nhiễm sang những người tiếp xúc với cán bộ/nhân viên bị nhiễm (đồng nghiệp, Gia đình, khách đến thăm, thân nhân người bệnh); Lây chéo giữa các bệnh nhân trong khu cách ly/Bệnh viện.
Một số thủ thuật dễ lây truyền virus như đặt ống nội khí quản. Do vậy nên dùng hộp chống aerosol; Nên dùng đèn đặt nội khí quản có camera; Đảm bảo an thần giãn cơ tốt trước khi đặt; PPE đầy đủ, có thể thêm mũ trùm đầu có luồn dây oxy thổi 5l/ph để tránh mờ kính và bí hơi.
SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể khoảng 4 tuần kể từ khi xâm nhập. Ở ngoài môi trường, virus rất dễ bị chết bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao. Ở môi trường lạnh, ẩm, mặt phẳng kim loại/nhựa virus có thể tồn tại 1-3 ngày. Các dung môi lipid như Ether, Cồn 70 độ, chất khử trùng chứa Chlor, xà phòng, acid peracetic Chloroform và Chlorhexidine từ 2-30 phút.
Minh Ngọc