+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Hội đồng thẩm định phản bác Tiếng Việt 1 thiếu tính giáo dục

Hồng Anh - 11/10/2020 15:53

Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt khẳng định không có chuyện tác giả bộ sách Cánh diều đưa các câu chuyện vào sách để dạy trẻ thói gian lận, khôn lỏi.

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chỉ trích sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều sử dụng từ ngữ khó hiểu, câu chuyện thiếu tính giáo dục.

Trong đó, một số người còn đăng tải, chia sẻ hình ảnh bài học chữ số 4 với hình và dòng chữ “bốn cái làn”. Điều này khiến không ít người bức xúc, cho rằng sách sử dụng nội dung không phù hợp để dạy trẻ.

Chu tich Hoi dong tham dinh SGK Tieng Viet anh 1
Hình ảnh chụp sách được nhiều người lan truyền và cho rằng nằm trong sách giáo khoa lớp 1 của chương trình mới.

Trao đổi với PV, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt, khẳng định hình ảnh này không có trong sách Tiếng Việt lớp 1 ở các 5 bộ sách.

Ông thông tin thêm ông đã hỏi thêm hội đồng thẩm định SGK môn Toán. Họ cho biết hình ảnh này cũng không nằm trong sách Toán.

“Tôi không biết họ chụp ở đâu nhưng không tác giả viết sách nào ngớ ngẩn như vậy được. Chắc ai đó đùa thôi”, ông Sử nói.

Liên quan đến ý kiến sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều sử dụng từ ngữ không thông dụng, GS Trần Đình Sử cho hay những từ như “gà nhí”, “gà nhép”, “chả”, “tợp” đều có trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên nên không thể nói chúng không thông dụng.

Về việc sách có dùng từ ngữ của cả người dân miền Nam và miền Bắc, ông Sử cho rằng với thực tế hiện nay, trẻ sẽ nhanh chóng làm quen với từ ngữ ở vùng miền khác.

“Người miền Bắc thường gọi con lợn, nhưng họ vẫn dùng từ heo và nếu nói thịt heo, họ đều hiểu. Ở lớp, giáo viên chỉ cần nhắc một tiếng, học sinh sẽ hiểu. Đây là chuyện bình thường, không nên quan trọng hóa”, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông, những từ như “chén”, “mõm”, “tợp” cũng không dạy trẻ nói năng thô tục như một số người phản ánh. Từ “chén” được dùng trong câu chuyện cò lừa đàn cá rồi ăn hết chúng. Ở đây, việc dùng từ này là hợp lý.

Tương tự, từ “tợp” là từ thích hợp để dùng trong câu chuyện cho lừa quạ hòng chiếm cục mỡ.

GS Trần Đình Sử cũng khẳng định không có chuyện tác giả đưa các câu chuyện vào sách để dạy trẻ thói gian lận, khôn lỏi. Người đánh giá cần đọc kỹ hơn.

Ông ví dụ, truyện Cua, cò và đàn cá được chia làm hai phần. Tuy nhiên, phần đầu của truyện cũng có nghĩa. Nó dạy trẻ tính cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu. Đây là bài học rất cần thiết với trẻ.

GS Sử khẳng định trong quá trình thẩm định, hội đồng xem xét từng trang, bài, câu hỏi, từng câu chữ, tranh vẽ, không đọc lướt nên không thể để lọt “những chuyện vớ vẩn” được.

Trước những ý kiến từ dư luận, ông xem xét phê phán đó đúng, trung thực không. Tuy nhiên, đến nay, ông hầu như chỉ thấy sự hiểu lầm.

Ông Trần Đình sử cho rằng hiện nay, một số người đang gây khó khăn cho việc dạy học, chửi rủa, hạ bệ sách giáo khoa. Việc này khiến phụ huynh hoang mang, không thể giúp trẻ học tốt.

“Lẽ ra, họ có thể bình tĩnh, đọc sách để biết cách hướng dẫn con. Nhưng hiện tại, họ lại tìm cách vạch lá tìm sâu, vừa mất thì giờ vừa mất nhiệt tình sử dụng sách”, ông nói.

Do đó, GS Trần Đình Sử hy vọng ngành giáo dục được yên ổn để dạy học. Kết quả cần chờ đến hết học kỳ, hết năm mới đánh giá được.

Sau việc nhiều phụ huynh, giáo viên than phiền việc học theo sách Tiếng Việt lớp 1 hiện nay đang quá sức trẻ, mạng xã hội xuất hiện các bài đăng về việc cuốn sách thuộc bộ Cánh diều dùng từ ngữ, câu chuyện chưa phù hợp.

Một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi con họ học theo sách này. Ngày 10/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều giải thích các từ ngữ được chọn dựa trên tiến độ học của học sinh.

Tác giả cuốn sách phỏng theo một số truyện ngụ ngôn, truyện dân gian, chỉnh sửa cho phù hợp và hoàn toàn không có chuyện sách dạy trẻ lừa lọc, khôn lỏi.

Bài mới
Đọc nhiều