Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Chuyện ‘Bốn cái làn’ là bịa đặt
Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt cho hay, hình ảnh bài học ‘Chữ số 4’ với ví dụ ‘Bốn cái làn’ được lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt và ‘không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế’.
Sau khi đi vào triển khai áp dụng chương trình phổ thông mới, nhiều ý kiến băn khoăn về việc môn Tiếng Việt đột ngột được tăng thêm 70 tiết/năm và bày tỏ thắc mắc theo căn cứ khoa học nào.
Về điều này, trao đổi với PV, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng tăng cường số tiết cho môn Tiếng Việt lớp 1. Trước đây mỗi tuần 10 tiết, nay mỗi tuần tăng thêm 2 tiết. Như vậy 35 tuần thì tăng thêm 70 tiết.
Việc tăng số tiết này bản chất không phải là nặng thêm, mà cùng khối lượng kiến thức nhưng tăng thời lượng học, giúp các em không phải học vội, đảm bảo kết thúc chương trình thì trẻ đọc được. Chứ không phải học xong rồi đến lớp 2 lại tái mù chữ.
“Chương trình lớp 1 nào cũng chỉ học 29 chữ cái và 140 vần để tập đọc nên các chữ. Trước đây cũng cùng lượng kiến thức đó nhưng học trong 10 tiết, giờ đây được học trong 12 tiết”.
Theo ông Sử, chương trình mới được thiết kế ưu tiên cho môn Tiếng Việt để học sinh sớm viết được chữ, còn chương trình Tiếng Việt các lớp sau sẽ giảm dần số tiết, để trẻ còn học các môn học khác.
Chuyện về ‘Bốn cái làn’ trong SGK là bịa đặt
Ông Sử cũng cho hay, hiện nay cộng đồng mạng đang chia sẻ một hình ảnh bài học “Chữ số 4” với ví dụ về “Bốn cái làn”. Tuy nhiên, ông Sử khẳng định không hề có bài học này trong tất cả các sách giáo khoa lớp 1.
“Tôi còn đang giữ các bộ sách trong tay, phải cầm quyển sách, kiểm tra từng trang. Vừa rồi có một trang sách mà được thêu dệt là có ví dụ về “Bốn cái làn” thì cũng không có sách nào có hết.
Sách Toán không có, sách Tiếng Việt cũng không. Cả 5 bộ đều không có. Mà hoàn toàn là dựng chuyện, bịa đặt. Không biết ai đã đứng ra làm việc đó nhưng cộng đồng lại thi nhau chia sẻ”.
Ông Sử cho hay, không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế, tránh những suy diễn không hay.
“Một tư liệu viết sai hoặc một cái tên có gờn gợn, chúng tôi đã phải hỏi ngay, hoặc thậm chí tra cứu,…”, ông Sử nói.
Trước ý kiến thắc mắc từ “chén” liệu có phù hợp và là ngôn ngữ phổ thông, ông Sử cho hay từ “chén” chỉ về về việc ăn nhưng đối với những người ăn thô tục.
“Trong bối cảnh của bài học này thì từ thì dùng từ “chén” là phù hợp, không sai”, ông Sử nói.
Ngoài ra, dù tiêu đề bài tập đọc là “Cua, cò và đàn cá (1)” nhưng nội dung lại không hề thấy “cua”, ông Sử lý giải sẽ có ở bài tập đọc sau.
“Truyện Cua, cò và đàn cá được chia làm 2 phần trong sách và được mở ngoặc đơn đánh số (1) và (2) thể hiện cho 2 phần. Với mục đích không để học sinh lớp 1 đọc quá dài nên các tác giả đã chia ra. Đây là bài phần 1 và còn tiếp tục nội dung ở bài phần 2. 2 tiết học liền nhau. Tuy nhiên, bài học còn có sự hướng dẫn và giảng dạy của giáo viên. Giáo viên sẽ giải thích cho học sinh trong quá trình học tập”, ông Sử nói.
Về hình ảnh bài học “Chữ số 4” với ví dụ về “Bốn cái làn” được chia sẻ trên mạng, GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán chương trình phổ thông mới cho hay, cho đến nay, chưa thấy trong quyển sách giáo khoa nào có bài học này.
“Mọi người cần lưu ý ngoài sách giáo khoa còn có sách bài tập, sách hướng dẫn giáo viên hoặc sách tham khảo.
Tuy nhiên, hội đồng thẩm định chỉ thẩm định về sách giáo khoa, còn lại thì không. Và nội dung ở đâu đó ngoài sách giáo khoa thì chúng tôi không thể biết được”, GS Kiều nói.
Thanh Hùng/ VNN