+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phụng sự Tổ quốc

19/05/2020 06:23

Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định làm theo chỉ dẫn của Bác về “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, cần phải kiên quyết, kiên trì và tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng. Và mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Tham dự lễ kỷ niệm có 2.000 đại biểu gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các Ủy viên T.Ư Đảng công tác tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; đại biểu các tỉnh, thành phố; trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội…

Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Trong diễn văn kỷ niệm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dân tộc, nhân dân, non sông đất nước Việt Nam đã sinh ra Hồ Chủ tịch – người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân, non sông đất nước Việt Nam. “Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”, ông nói.

Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Người để lại cho Đảng, nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời”. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường cách mạng sáng tạo, phù hợp với đặc thù của thực tiễn cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Xuất phát từ điều kiện lịch sử của Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ, nước ta cần phải trải qua thời kỳ quá độ, từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Để giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng XHCN, xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, Đảng ta phải dựa vào lực lượng toàn dân, tổ chức, động viên, phát huy được sức mạnh vĩ đại của toàn dân. “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng lớn, mang tầm chiến lược trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đồng thời khẳng định là người sáng lập và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh.

Tấm gương đạo đức, phong cách sáng ngời

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ Hồ Chí Minh là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Hồ Chí Minh không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình. Vì thế, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức để trở thành những người chiến sĩ cách mạng mẫu mực. “Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hồ Chí Minh suốt đời phụng sự Tổ quốc
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn kỷ niệm

Lợi ích nhóm là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm

Nhấn mạnh mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng đã kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; có thêm nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn”, ông nói.

Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn bởi đất nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong lãnh đạo, quản lý, trong tổ chức thực hiện, chúng ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém; vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ; trong khi những yêu cầu, nhiệm vụ mới, thách thức và mâu thuẫn mới, những vấn đề lớn, phức tạp tiếp tục phát sinh. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; xuyên tạc, kích động, chia rẽ hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta.

“Sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hóa quyền lực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về mặt đạo đức và trách nhiệm xã hội… cũng là những thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, đe dọa vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, vận mệnh của đất nước, dân tộc”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu để quần chúng, nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; thực hiện đúng nguyên tắc: mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trước hết, cần chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích thiết thực của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết thời gian qua, trong vô vàn khó khăn của dịch bệnh, thiên tai, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn bản chất tốt đẹp của chế độ, sức mạnh của truyền thống yêu nước, của ý chí đoàn kết, thống nhất hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thực tiễn đó khẳng định giá trị to lớn của lòng yêu nước, đạo lý nhân văn, tinh thần và ý chí Việt Nam; cơ sở rất quan trọng để tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

“Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Học và làm theo lời Bác luôn luôn là lẽ sống đẹp

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Đoàn (73 tuổi) nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ, nhớ lại chuyến công tác cuối cùng của Bác là ngày 12.8.1969, khi biết tin có đoàn công tác ở xa về, mặc dù không được khỏe nhưng 3 giờ chiều, Người vẫn đến khu biệt thự Hồ Tây để thăm hỏi, động viên và nghe đoàn công tác báo cáo tình hình.

“Không ai nghĩ rằng, 5 ngày sau, sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, không vì thế mà Người nghỉ ngơi. Bác vẫn quan tâm đến tình hình chiến sự; việc phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân gặp thiên tai”, ông Đoàn kể lại và khẳng định bản thân ông luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu.

Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, bạn Huỳnh Mạnh Phương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM, khẳng định may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được vinh dự đón nhận, kế thừa, gìn giữ phát huy những thành tựu của đất nước, tuổi trẻ Việt Nam luôn ý thức sâu sắc rằng, mỗi giây phút bình yên hôm nay đều phải đánh đổi bằng sự hy sinh, mất mát lớn lao của biết bao con người Việt Nam yêu nước. Từ đó, Huỳnh Mạnh Phương hứa sẽ luôn tin tưởng tuyệt đối và đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Ra sức rèn luyện, nỗ lực học tập, hăng say lao động, luôn sáng tạo lập thân, lập nghiệp theo lời Bác dạy.

Lê Hiệp/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều