Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại càng trân trọng trí tuệ, những giá trị, tư tưởng, đạo đức và tình cảm thân thương mà Người để lại cho giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.
Sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta – đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam – mở ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại ngay từ khi Người còn sống. Lòng yêu nước, yêu dân tộc, sự cống hiến, tinh thần lao động và học tập không ngừng nghỉ của Người là một tấm gương cách mạng sáng ngời. Tấm gương ấy là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta, đất nước ta, là “con đường cách mệnh” để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và nhân loại; khơi dậy trong mỗi người dân lòng nhân ái, lửa nhiệt tình cách mạng.
Với lòng yêu nước, thương dân tha thiết, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, tìm ra con đường của chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1). Trong những năm 20 của thế kỷ trước, cùng với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh ra sức giáo dục, giác ngộ và thức tỉnh giai cấp công nhân Việt Nam trong phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc.
Nhận thức cách mạng muốn thắng lợi thì “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(2), Người đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời Ðảng Cộng sản Việt Nam. Về tư tưởng, ngay trong quá trình tiến tới thành lập Đảng, Người khẳng định, Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững thì “phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(3) và “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Để chuẩn bị về tổ chức, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, hạt nhân là Cộng sản đoàn. Người mở lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ này sau khi nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, được cử về nước tham gia vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thực hiện “vô sản hóa”. Nhờ thấm nhuần tư tưởng cách mạng tiên tiến nhất của thời đại, phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ “tự phát” sang “tự giác”; đặc biệt, một nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng là giai cấp công nhân đã từng bước giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối cách mạng vô sản, giác ngộ về sự cần thiết phải có Ðảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng. Và chính Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra bước ngoặt trọng đại cho cách mạng Việt Nam, gắn liền với tên tuổi, công lao, uy tín của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt mới về chất sau này trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, sự kiện ấy chứng tỏ ngay từ đầu, Ðảng đã bắt rễ sâu trong lòng dân tộc và sự trưởng thành, vững mạnh của Ðảng luôn đồng hành cùng với dân tộc. Vì vậy, trong công tác xây dựng Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới sự gắn bó giai cấp và dân tộc, làm sao cho Ðảng luôn giữ vững được tính giai cấp, tính tiền phong và tính quần chúng. Người khẳng định: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(4). Ðảng ta mang bản chất giai cấp công nhân, Ðảng phải lấy nhân dân làm gốc; phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, học hỏi nhân dân, khai thác và chắt lọc trí tuệ của nhân dân, chăm lo lợi ích cho cả dân tộc. Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, do vậy, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Đảng vĩ đại còn là ở trách nhiệm cao cả và sự gắn bó mật thiết với nhân dân, “suy nghĩ, lo toan đến hành động chỉ một mực vì dân mà thôi”. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời vừa quan tâm đến những việc nhỏ như “tương cà mắm muối” cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Ðảng theo những nguyên tắc Ðảng kiểu mới của giai cấp vô sản, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Người nhấn mạnh nguyên tắc hàng đầu này, trước hết ở sự gắn bó và thống nhất của hai mặt dân chủ và tập trung trong một nguyên tắc. Tập trung phải trên cơ sở của dân chủ và ngược lại, nếu dân chủ mà không tập trung thì Ðảng sẽ không có sức mạnh. Nguyên tắc tập trung dân chủ làm cho Ðảng vừa phát huy được trí tuệ, vừa tập trung, thống nhất ý chí, hành động của mọi đảng viên, làm cho “Ðảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”.
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng muốn thành công phải có lực lượng cách mạng, phải đoàn kết thật rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, Người rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng. Đối với Người, việc nắm tư tưởng, vận động quần chúng là việc làm trước hết và thường xuyên. Thực tiễn cuộc đời cách mạng sôi nổi của Người đã chứng minh, đi đến đâu, làm việc gì, Người cũng dựa vào cơ sở quần chúng, luôn được quần chúng yêu mến, bảo vệ, che chở. Phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng của Người rất phong phú, đa dạng, linh hoạt, thiết thực, nên luôn đạt hiệu quả cao. Dưới sự chỉ đạo sát sao và linh hoạt của Người, sự đấu tranh kiên trì của các chiến sĩ cách mạng kiên trung, các tổ chức quần chúng lần lượt được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong 3 tháng sau khi Người về nước, đã có hàng nghìn người, thuộc đủ các dân tộc tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Xây dựng cơ sở chính trị vững chắc trong quần chúng ở Cao Bằng là một bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam. Bài học đó đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp và nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khẳng định vị trí, vai trò và luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt cho giai cấp công nhân Việt Nam
Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ xây dựng Đảng bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân. Đảng là đội ngũ tiên tiến nhất, có tổ chức chặt chẽ nhất, có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc đi đến bến bờ thắng lợi. Nếu không xây dựng Đảng vững mạnh thì giai cấp công nhân không thể hoàn thành được vai trò lãnh đạo của mình trong sự nghiệp lật đổ hoàn toàn ách thống trị của tư bản và đế quốc, không tiến tới được chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, Người chỉ rõ: “Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(6). Chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời đặt trọng tâm vào xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản – công cụ sắc bén trên con đường cải tạo đổi mới xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chuyên chính vô sản phải không ngừng nâng cao hiệu lực của mình, phải thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bên cạnh đó, Người chú trọng tăng cường, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn, thanh niên, hội phụ nữ… tạo cơ sở xã hội vững chắc, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản. Xuyên suốt quá trình này, Người đánh giá rất cao vị trí, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam trong lực lượng, liên minh cách mạng. Số lượng giai cấp công nhân Việt Nam tuy ít ỏi, nhưng theo Người, vai trò lãnh đạo của lực lượng cách mạng không phải do số lượng của lực lượng đó quyết định. Người chỉ rõ những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam là: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Do có những đặc điểm ấy và lại là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới, gánh trách nhiệm đánh đổ chủ nghĩa tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, cho nên giai cấp công nhân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, giai cấp này còn có khả năng thấm nhuần tư tưởng cách mạng, nhất là chủ nghĩa Mác – Lê-nin; đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ có ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến.
Sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giai cấp công nhân Việt Nam còn thể hiện cụ thể ở các chuyến đi thăm địa phương, cơ sở. Người dành nhiều thời gian đi thăm các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp, các nhà máy diêm, nhà máy may, nhà máy dệt, nhà máy điện, các công trường xây dựng, làm cầu đường… Mỗi khi đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, Người đều xuống tận các phân xưởng, gặp gỡ công nhân đang sản xuất trước khi gặp gỡ lãnh đạo. Người muốn tìm hiểu trực tiếp xem giai cấp công nhân thể hiện tinh thần làm chủ của mình như thế nào. Đến đâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khuyên nhủ công nhân lao động phát huy tinh thần làm chủ, gương mẫu, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Người khẳng định, “đó là con đường đi đến cải thiện đời sống nhân dân và giai cấp của mình”. Người cũng không quên chỉ ra những khuyết điểm, những hạn chế trong nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, để mỗi người công nhân nói riêng, đội ngũ công nhân Việt Nam nói chung phấn đấu vươn lên. Nói chuyện với cán bộ công nhân nhà máy xi-măng Hải Phòng ngày 30-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho giai cấp công nhân những tư tưởng lệch lạc cần được xóa bỏ. Người nói: “Hiện nay trong tư tưởng của một số cán bộ, công nhân chỉ thích đỗ đạt bằng cấp, thăng quan tiến chức, ngồi bàn giấy mà coi thường lao động chân tay, lao động sản xuất. Ta học để làm gì? Cũng để mà lao động. Đã là lao động thì lao động chân tay hay lao động trí óc cũng đều quý”(7).
Xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn Việt Nam lớn mạnh, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất – tinh thần của giai cấp công nhân và người lao động
Trong các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức công đoàn – tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam – nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ xây dựng nền móng tư tưởng, lý luận cho đến bộ máy tổ chức, cán bộ công đoàn. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” xuất bản năm 1927, Người đã đề ra nhiệm vụ, chức năng của Công hội Việt Nam: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”(8). Như vậy, ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động của tổ chức công đoàn. Khi xa rời chức năng đó, người công nhân sẽ tự nhiên xa lánh hoặc thờ ơ với sự tồn tại của công đoàn và công đoàn cũng mất đi tính đại diện của người lao động. Những quan điểm đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được truyền bá trong phong trào công nhân, thông qua hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đặt nền móng cho việc thành lập một tổ chức công đoàn cách mạng. Ngày 28-7-1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam – tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Lần đầu tiên, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân và người lao động.
Cùng với quá trình lãnh đạo, xây dựng, rèn luyện Đảng ta qua từng thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức công đoàn, làm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trực tiếp vận động công nhân hăng hái tham gia cách mạng, trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, của Nhà nước. Một năm sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong bối cảnh tập trung chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ và quyền lợi cho tổ chức công đoàn là “gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước”(9). Xác định nhiệm vụ trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của tổ chức công đoàn lúc bí mật, lúc công khai đã tích cực lãnh đạo phong trào công nhân tham gia kháng chiến, kiến quốc thành công.
Bằng tác phong lãnh đạo sâu sát, dân chủ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, công, nông, lâm trường. Ngày 19-1-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên Trường Công đoàn, Người nhấn mạnh: Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của cả dân tộc. Người yêu cầu công đoàn các cấp cần nỗ lực sản xuất, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí để xây dựng chủ nghĩa xã hội; phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, chăm lo đời sống vật chất – tinh thần cho công nhân lao động, phải thật sự chăm nom “nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức”. Theo Người, muốn cho phong trào công đoàn mạnh lên thì cần có cán bộ công đoàn tốt; cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải biết quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật và trong công tác cán bộ, công đoàn cần phải gắn bó, tin tưởng vào quần chúng. Người lưu ý: “Cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa… Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho”(10). Người cũng chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ công đoàn, thậm chí là căn nguyên của những khuyết điểm đó, như công đoàn “không khai hội công nhân viên chức, thế là trái chế độ dân chủ, vì vậy mà anh em có nhiều thắc mắc, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động; công đoàn chỉ chạy theo năng suất mà không chú ý đến chất lượng, để công nhân làm ẩu làm bừa”. Người thẳng thắn phê bình: “Ở những xí nghiệp, nông trường, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, anh em công nhân kêu không có điện ảnh tới. Cái đó là do cán bộ văn hóa không chú ý, nhưng mặt khác cũng do cán bộ công đoàn không săn sóc đến đời sống tinh thần cho công nhân” và nêu rõ nguyên nhân “sở dĩ có những khuyết điểm ấy là do cán bộ công đoàn kém, quan liêu, không đi sát quần chúng, không làm tròn trách nhiệm của Đảng và Chính phủ giao cho”(11).
Trước lúc đi xa, ngày 18-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam: “Công đoàn làm công tác giáo dục, nhiều nơi còn chung chung, chính trị suông, chưa biết nắm công tác chính trị, thúc đẩy sản xuất, động viên mọi người làm tròn trách nhiệm trong lao động sản xuất. Làm chung chung thì dễ, làm cụ thể phải chịu khó”(12). Cho nên, công tác giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại. Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nhân tham gia quản lý. Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hoá. Người cũng chỉ bảo cặn kẽ về vai trò của tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn không những phải giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế; không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng tạo điều kiện cho họ nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật. Những lời căn dặn ấy thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với tổ chức công đoàn nói chung và mỗi cán bộ công đoàn nói riêng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn 90 năm Công đoàn Việt Nam phát triển và trưởng thành, chúng ta càng thấy rõ những tài sản vô giá cả về lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về công đoàn và cán bộ công đoàn mà Người đã để lại cho giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Các cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động cần luôn luôn phấn đấu và không ngừng học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn; thực hiện tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là “xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công nhân, người lao động cần nâng cao tinh thần giác ngộ, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, rèn luyện tác phong công nhân công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tính năng động, sáng tạo trong thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Hơn lúc nào hết, mỗi một công đoàn viên, người công nhân lao động hãy suy nghĩ, vận dụng và thực hiện một cách tốt nhất những chỉ dẫn của Người bằng việc làm thiết thực của mình. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam mãi mãi là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta vững bước đi trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như sinh thời Người hằng mong muốn.
——————————
(1), (5), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 30, 402, 121
(2), (3), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289, 289, 330
(4), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 392, 41
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 560
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 477
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 680.
Theo NGUYỄN VĂN CÔNG/TCCS