+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Hà Nội lên tiếng về bất cập của đường sắt Cát Linh – Hà Đông

20/11/2021 07:52

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có ý kiến trả lời cử tri về bất cập của đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong việc “trắng” chỗ đỗ xe sau khi vận hành khai thác .

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (đường sắt Cát Linh – Hà Đông), tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh và các đại biểu HĐND TP (đơn vị bầu cử số 3) ngày 19/11, cử tri Trần Đình Việt (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) đề nghị TP chỉ đạo tổ chức đồng bộ, hiệu quả các điểm trông xe tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông phục vụ người dân ở các ga tàu điện. Đồng thời, tăng cường kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác tại các điểm ga tàu.

Hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong ngày 11/11. Ảnh: Phạm Hưng.

Đã có hướng dẫ 12 điểm trông giữ xe tuyến đường sắt Cát Linh – Hà ĐôngVề việc này, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, để tổ chức đồng bộ, hiệu quả các điểm trông giữ xe phục vụ người dân ở các nhà ga tàu điện, ngay sau khi dự án Đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, tuyến Cát Linh – Hà Đông đưa vào vận hành, khai thác UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT), Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Công ty Đường sắt Hà Nội) khảo sát, bố trí các điểm trông giữ xe phục vụ người dân đi tàu, kết nối các tuyến xe buýt nhanh nhất có thể để phục vụ Nhân dân.

Hiện nay, Công ty Đường sắt Hà Nội đã có hướng dẫn 12 điểm trông giữ xe tại khu vực 12 nhà ga trên sổ tay hướng dẫn đi tàu và tiếp tục khảo sát, bổ sung thêm các điểm trông giữ xe tại các nhà ga.

Ông Chu Ngọc Anh chỉ rõ, phương án kết nối các phương tiện giao thông công cộng tại các nhà ga đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 673/UBND-ĐT ngày 9/3/2021. Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở điều chỉnh, bổ sung các tuyến buýt kết nối tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân đi tàu được hiệu quả.

“Cá nhân tôi và các chuyên gia đều thường xuyên kiểm tra và đều mong muốn không chỉ tận dụng không gian xanh, hiện đại của Thủ đô mà còn phải phát triển văn hóa, dịch vụ đi kèm với các đường sắt đô thị. Các bất cập sẽ được khắc phục kịp thời”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch Hà Nội nói gì về bất cập của đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi khai thác? - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh trao đổi với cử tri quận Đống Đa, ngày 19/11. Ảnh: Phú Khánh.

Trước đó, để người dân có nơi gửi xe, dễ dàng tiếp cận tàu Cát Linh – Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị 4 quận vào cuộc vụ đi tàu Cát Linh – Hà Đông “trắng” chỗ đỗ xe.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Đường sắt Hà Nội cùng phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời tại các ga tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông để phục vụ người dân có nhu cầu đi tàu.

Một trong các vị trí được Sở GTVT Hà Nội đề xuất và cũng được UBND TP.Hà Nội chấp thuận là khu vực vỉa hè, lòng đường đoạn qua ga, gầm cầu thang lên, xuống các ga, danh sách các vị trí được đề xuất các quận gửi về Sở GTVT Hà Nội trước ngày 12/11.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tàu Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành, tại một số ga tàu đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” giá gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân.

Mặc dù đã được Sở GTVT và các đơn vị có liên quan kiểm tra, chấn chỉnh ngay nhưng để người dân có chỗ đỗ xe khi đi tàu, không phát sinh thêm các bãi xe tự phát các cơ quan có trách nhiệm cần có giải pháp cho việc này.

Từ 21/11, tàu Cát Linh-Hà Đông sẽ đổi giờ chạy và có thu phíCông ty Đường sắt Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí trong ngày 20/11.

Từ ngày 21/11, bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền. Đồng thời, thay đổi thời gian chạy tàu so với hiện nay. Cụ thể, trong 6 tháng đầu khai thác thương mại, các đoàn tàu chở khách từ 5h – 23h, tần suất 10 phút/chuyến (hiện tại hoạt động 5h-22h, 15 phút/chuyến). Thời gian tàu dừng tại ga để khách lên xuống 25-50 giây.

Có các loại vé tàu: vé đi một lượt (8.000 đồng – 15.000 đồng); vé ngày (30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé); vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (vé tháng, mua theo tập thể từ 30 người trở lên);

Vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (100.000 đồng/vé); vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo).

Toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình hơn 1km có một ga. Mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.

Tại 12 nhà ga của tuyến đường sắt có kết nối với các tuyến xe buýt công cộng, trong đó ga đầu tuyến Yên Nghĩa kết nối với bến xe khách Yên Nghĩa, có các tuyến xe buýt, xe khách đi ngoại thành và các tỉnh.

Hành khách mua vé đi tàu tại các nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trường hợp mua vé ưu tiên cần xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy xác nhận của đơn vị quản lý (học sinh, sinh viên, người lao động tại khu công nghiệp); mua theo tập thể 30 người trở lên có xác nhận của thủ trưởng đơn vị.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều