Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: “Tôi chưa bao giờ nói suông khi làm hàng không”
– Ông được cho là người ngoại đạo với hàng không. Vậy phải lý giải thế nào cho việc lấn sân mạnh mẽ như vậy của cả FLC và cá nhân Trịnh Văn Quyết?
Tôi bắt đầu với hàng không bằng cả kỷ niệm tuổi thơ và con mắt của người làm kinh doanh. Cơ hội kinh doanh thì sẽ nói sau. Tôi muốn bắt đầu bằng kỷ niệm về những ngày vừa lên 10, khoảng 1985. Lúc đó có đứa trẻ con nào không mê máy bay đâu. Quê tôi lại ở Vĩnh Phúc, gần sân bay Nội Bài nữa chứ. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng bay ù ù là cả lũ trẻ con chạy ra ngửa cổ lên trời. Thậm chí từ lúc mới thấy tiếng mà chưa thấy hình. Đứng nhìn mãi đến khi nào vệt khói trắng tan đi mới thôi. Nhưng lúc đấy chưa biết thế nào là lớn, chỉ ước được ngồi trên đó thôi. Tôi không hình dung mình là tiếp viên hay phi công. Chỉ cần là hành khách đã thích rồi. Có khi cả buổi nghĩ về cảm giác ở trên đó, chắc êm vì không xóc như đường làng quê tôi.
Nhen nhóm từ khá lâu vì tôi là người làm dịch vụ, nghỉ dưỡng, nên thấy ngành này rất hấp dẫn, đầy tiềm năng. Từ hồi 2014 FLC đã mua trực thăng để làm dịch vụ. Nhưng kết quả không cao vì kinh doanh trực thăng phải phụ thuộc nhiều thứ, như có loại trực thăng không được phép bay đêm, hay trời giông gió là không cất cánh được. Chưa kể về mặt thủ tục, khách toàn chỉ muốn bay ngay và luôn, nhưng xin cấp phép phải mất mấy ngày.
Do đó, tôi ấp ủ suốt từ năm 2014, 2015, đến 2016 bắt đầu chuẩn bị về thủ tục và 2017 chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không. Yếu tố đầu tiên là phải thích, thứ hai phải nghiên cứu thị trường, thứ ba chuẩn bị tiềm lực rất kỹ.
Cách đây hai năm, phát biểu đầu tiên của tôi về hàng không là đã làm là phải làm lớn luôn. Bay là phải rộn ràng, phải hoành tráng. Chứ nếu bay mà chỉ hai ba tàu thì nhom nhem, chết ngay.
Khi ra đời, Bamboo Airways đã hiện thực hoá tuyên bố này. Chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng đã đưa số hành khách đạt con số một triệu lượt. Tỷ lệ an toàn tuyệt đối. Tỷ lệ đúng giờ là 93,8%, cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. Đó là nhờ có sự chuẩn bị nhiều năm và kỹ càng các khâu mới làm được.
Tôi không phải là mẫu doanh nhân nói về kinh doanh theo chữ “duyên” hay “mơ ước”. Nên tôi không thấy những khoảnh khắc của sự “mong manh” hay “định mệnh”, dù có khó khăn. Mọi thứ đã có lộ trình. Bản thân tôi và FLC là tập hợp của rất nhiều dân luật, chúng tôi làm có lộ trình, có kế hoạch. Nghiên cứu kỹ luật pháp rồi mới bắt tay nên không có lý gì nhà nước không cấp phép.
Khi tuyên bố xong đúng là tôi nghe không ít người doạ, nào là làm hàng không thì “đốt tiền”, rồi phải có nhiều nghìn tỷ để đốt. Riêng chi phí xăng dầu đã chiếm 40%. Phá sản như chơi.
Nhưng thay vì sợ hãi, tôi quyết định nghiên cứu thật kỹ. Nghiên cứu cả thị trường và lý do của những trường hợp phá sản, thất bại.
Tôi nhắc lại, tôi là dân luật nên mọi thứ đều làm theo luật. Không có khái niệm may mắn ở đây. Tôi chỉ lo quản trị làm sao cho tốt để khi bay là phải chuẩn chỉnh.
Mọi người nghĩ liều vì một là chưa gặp, hai là chưa nói chuyện với tôi. Chưa gặp nên chưa hiểu được câu chuyện, chưa biết tính cách ông này thế nào. Người ta tự nghi ngờ, tự tạo ra những thông tin để bình luận. Chứ bản thân tôi thì không bao giờ liều, luôn có sự chuẩn bị kỹ.
Làm hàng không càng phải chuẩn vì mọi thứ phải đúng đến từng giây. Số liệu về bay đúng giờ, số liệu của người trên chuyến bay có thể được lưu giữ đến hàng thập kỷ. Với đặc thù như vậy càng phải tính toán kỹ lưỡng chứ không bao giờ liều được.
Đó chắc chắn là ngày được cấp phép bay. Cụ thể là ngày 8/11/2018, Chính phủ đồng ý chủ trương, ngày 12/11/2018 Bộ Giao thông Vận tải cấp phép vận chuyển hành khách. Không chỉ với riêng tôi mà với tất cả nhân viên Bamboo Airways, phi công, tiếp viên, kỹ sư, anh em quản lý. Hàng nghìn người xúc động trong giây phút đó vì họ đã chuẩn bị và chờ đợi trong cả năm trời.
Ngành hàng không này rất ít lựa chọn. Bất động sản thì có cả nghìn công ty nhưng hàng không theo như bạn thấy, chỉ vài hãng. Những nhân sự nhiều kinh nghiệm lựa chọn về với chúng tôi là họ cũng đã đặt niềm tin rất lớn. Thế nên cả năm chưa được bay thì sốt ruột, hồi hộp, hy vọng lắm. Được cất cánh là mừng, như cam kết mình còn có đất sống, còn việc để làm.
Các bạn tiếp viên, sau tôi nghe kể lại mới biết nhiều người đã khóc. Trước chuyến bay đầu tiên thậm chí cả đêm không ngủ vì hồi hộp. Ngày cất cánh chuyến bay đầu tiên cũng vậy. Bản thân tôi trong lòng cũng vui lắm, nhưng phải kiềm chế vì là người quản lý, phải giữ được cảm xúc.
– Bamboo Airways chọn slogan “Hơn cả một chuyến bay”. Tại sao ông lại chọn thông điệp này?
Chúng tôi không thuê công ty nào cả mà nội bộ công ty tổ chức cuộc thi. Vì chính mình mới hiểu mình nhất. Có nhiều phương án nhưng tôi lựa chọn slogan trước cả khi cuộc thi đi đến phút cuối.
Người Việt Nam nói chung vẫn còn xa lạ với máy bay, dù thời gian gần đây đã nhiều hơn. “Được bay” đã là hạnh phúc, như tôi hồi 19 tuổi. Nhưng bây giờ với Bamboo Airways, “Hơn cả một chuyến bay” có nghĩa bay đã là thích rồi, lại còn được làm cho thích hơn nữa, thư giãn hơn nữa. Đó chính là sự tận tâm, tận tuỵ, hiếu khách bằng từng ngôn ngữ, cử chỉ để làm cho khách hài lòng nhất.
Với phi hành đoàn, “Hơn cả một chuyến bay” có nghĩa là phục vụ bằng trái tim. Đội ngũ cần cảm ơn khách ngay từ trong đầu, trong tim vì khi biết ơn từ tận tâm thì ngôn ngữ, cử chỉ mới đi theo được. Nếu chỉ làm theo nghi thức một cách máy móc thì sẽ có lúc quên cái này, quên cái kia.
Tôi luôn nói với anh em rằng, khách hàng đang nuôi sống mình đấy. Khách của Bamboo Airways luôn luôn là người đúng, cho dù bất cứ lý do gì. Khách không hài lòng thì tôi phải tìm cách làm cho họ hài lòng.
Không. Hoàn toàn không. Đối thủ có điểm mạnh này, điểm yếu kia. Nhưng tôi coi đó chỉ là kinh nghiệm. Còn muốn xây dựng cái riêng thì phải có cách tiếp cận riêng. Khi FLC ra đời, cũng có ai nghĩ sẽ có ngày đứng top đầu như thế này? Chỉ có khác biệt mới tạo nên thành công.
Ngay từ đầu chúng tôi đã định vị phân khúc, đặt mục tiêu phải trở thành hãng hàng không 5 sao. Đó là lý do các tàu bay đều có khoang hạng C. Tàu bay mới sắp về thậm chí còn có khoang First Class, trên cả C. Tất cả đều là dự định từ khi nhen nhóm thành lập hãng mấy năm trước.
Tất cả đều phải có sự chuẩn bị, như một bài toán, thậm chí còn có nhiều đáp số. Để được 5 sao thì con người phải 5 sao trước. Có thể tàu bay chưa được ngay 5 sao, nhưng con người phải chuẩn chỉnh.
Tôi không phải là người của lý luận. Tôi thấy gì hay thì học. Một lần trên chuyến bay tới Brunei, tôi bị thu hút bởi cô tiếp viên trưởng. Cô ta mặc bộ đồ như hoàng hậu, sang trọng quý phái. Mỗi động tác đều toát lên vẻ lịch sự hoàng gia. Tôi nhận ra máy bay chỉ là một phần, con người mới là thứ tạo nên cảm xúc.
Vì thế tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu 5 sao từ vấn đề con người. Tiếp viên Bamboo Airways phải đạt tiêu chuẩn đề ra. Về vóc dáng thì đã có số đo. Nhưng quan trọng là, bộ phận tuyển dụng phải tìm ra những gương mặt thân thiện, cởi mở, vui tươi. Chính họ sẽ tạo ra và dẫn dắt cảm xúc tích cực cho hành khách.
Nói là thế thôi, chứ thực tế vẫn có người này người kia. Tuy nhiên tôi không ngại ngần khi khẳng định đó là mong muốn thực sự của Bamboo Airways.
– Thái độ phục vụ vẫn là điểm yếu của nhiều tiếp viên Việt Nam, làm sao ông có thể truyền các quy tắc đó xuống hàng nghìn người?
Đào tạo. Chỉ có đào tạo thôi bạn. Chúng tôi đào tạo từ trong khóa học tới cuộc sống hàng ngày. Văn hóa FLC là góp ý luôn đi cùng giải pháp và coi nhau như anh em trong nhà. Chướng mắt là phải nói ngay.
Các doanh nghiệp có những cách quản trị khác nhau, như có nơi thì rất dân chủ, có nơi thiết quân luật. Nhưng ở FLC, chúng tôi chọn cách quản trị hướng toàn đội ngũ theo chuẩn mực. Chuẩn mực trong từng lời nói, từng hành động.
Như hôm trước trong buổi nói chuyện gặp gỡ các phi công, tôi cũng đưa ra ví dụ về một cái vỏ kẹo rơi trên sàn nhà. Như ở nơi khác, đó là việc của cô lao công, mọi người có thể cứ thế điềm nhiên bước qua để lo việc của mình trước.
Từ người Nhật. Tôi ngưỡng mộ người Nhật ở cách họ tiếp đón trọng thị, thành tâm với khách hàng. Một động tác nhỏ nhưng mang lại thông điệp lớn. Phải làm sao từ khi bước vào máy bay đến khi bước ra, hành khách phải thấy đó là văn hóa của Bamboo Airways, chứ không phải chỉ của riêng một vài tiếp viên.
Nhưng cái khó là cúi xuống với cái tâm trân trọng khách hàng thực sự, chứ không phải chỉ là thói quen, là bắt buộc. Cái này như tôi nói, lại là do đào tạo. Phải rất vất vả mới đi vào trái tim của mọi người. Nếu chọn cách thành công nhanh, tôi đã không phức tạp chuyện đó. Nhưng để khác biệt thì phải kiên nhẫn thôi.
– Chuyển sang vấn đề tài chính, câu hỏi lớn nhất là lấy tiền đâu Bamboo Airways có thể mua hàng chục máy bay, trị giá cả tỷ USD như thế?
Đó cũng là thắc mắc chung thôi. Nhưng bạn phải biết khi mua tàu bay của Boeing, Airbus, nhà sản xuất đều giới thiệu các công ty cho thuê tài chính. Đó là một dạng cho vay cũng như ngân hàng với mức vay lên đến 80%. Các hãng hàng không trên thế giới cũng đều như vậy. Kể cả những hãng hàng không có tiền thì vẫn đi vay bình thường.
Căn cứ để họ cho tôi vay là niềm tin vào Tập đoàn FLC, từ bức tranh tài chính của kiểm toán độc lập, dựa trên đề án của Bamboo Airways, số liệu của Tập đoàn. Kèm theo đó là nhiều yếu tố khác như đặt cọc, rồi các ngân hàng trong nước tài trợ một phần.
FLC thành lập hãng hàng không trên cơ sở thế mạnh của Tập đoàn. Tôi đã đầu tư bằng cả nguồn lực và kinh nghiệm suốt 18 năm, nên đã chuẩn bị rất kỹ. Vì thế không có gì khó khăn để nhận được các khoản tín dụng đó.
– Bamboo Airways công bố sẽ bay đi Mỹ gây nhiều nghi ngờ, vì mới cất cánh chưa bao lâu đã quyết làm điều các hãng có tuổi đời lớn hơn chưa làm. Ông nói gì về điều này?
Như mọi người thấy, FLC đã quyết làm, là làm được. Tôi chưa bao giờ nói suông khi làm hàng không. Tôi nói lập hãng hàng không là làm thật, mua tàu bay là mua thật. Tôi trả tiền thì người ta mới công bố, mới ký trước mặt các nguyên thủ.
Tương tự, khi công bố bay đi Mỹ, chúng tôi cũng trình bày số liệu rõ ràng. Bay từ Tân Sơn Nhất đến Los Angeles thì thế nào. Đưa ra cả con số bay mùa đông, bay mùa hè, xuôi và ngược chiều gió, bay 15 tiếng và 17 tiếng thì phương án ra sao. Ví dụ bay ngược gió vào khoảng tháng 1 là khoảng 17 tiếng, bán vé bằng này tiền, trừ đi tiền dầu, tỷ lệ lấp đầy, thu về bao nhiêu. Các con số đều biết nói. Tôi đã phân tích khách quan và thấy bán vé như các hãng hàng không khác đang làm hoàn toàn có thể có lãi.
Bay đi Mỹ không chỉ làm lợi cho Bamboo Airways, mà cũng là làm lợi cho hình ảnh quốc gia. Nếu một người Việt đứng ở sân bay Mỹ, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng ở đuôi máy bay, thì dù không biết tôi là ai họ cũng tự hào chứ. Bay đi Mỹ là niềm tự hào cho Việt Nam, cho ngành hàng không Việt Nam. Nếu Bamboo Airways tiên phong bay được thì càng phải động viên.
Cách đây trên dưới 7 năm, ai dám nói FLC có vị thế về bất động sản như ngày hôm nay. Khi đó nói về hàng đầu họ chỉ nghĩ đến những cái tên khác. Thế mà hiện nay FLC đã khẳng định được vị thế tại nhiều tỉnh thành, đó là vì chúng tôi có cách đi riêng, cách quản trị riêng.