+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch FLC bị bắt sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?

01/04/2022 08:07

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam, các chuyên gia nhận định, nhóm cổ phiếu trong “hệ sinh thái” FLC được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng với quy mô khá nhỏ nên không đủ sức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.

Ngày (31.3), thị trường chứng khoán mở cửa trong sắc xanh khi hai chỉ số chính đều tăng điểm. Nhưng nhóm cổ phiếu “họ” FLC vẫn nằm sàn la liệt, lệnh bán chất cao như núi. Trong đó, mã FLC giảm sàn còn 11.000 đồng/cổ phiếu và còn dư bán hơn 100 triệu cổ phiếu; ROS giảm sàn về 7.060 đồng/cổ phiếu và cũng dư bán hơn 90 triệu đơn vị; ART và AMD cũng trong tình trạng tương tự. Riêng mã HAI và KLF sau khi giảm sàn đã có dòng tiền tham gia mua vào và lúc 9 giờ 20 đã thoát cảnh giảm sàn. Tuy nhiên lượng bán ra vẫn đang áp đảo và hai cổ phiếu này đang xoay quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, những cổ đông của FLC, ROS, KLF… bày tỏ lo lắng với những phiên “nhốt sàn” liên tiếp và không biết bao giờ mới được dòng tiền vào “giải cứu”.

Trên TTCK, “hệ sinh thái” FLC liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bao gồm 7 mã cổ phiếu: FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART và GAB. Thống kê đến ngày 25-3-2022, tổng vốn hóa của nhóm này đạt hơn 23.300 tỷ đồng, chiếm 0,36% vốn hóa trên 2 sàn niêm yết chính thức là HoSE và HNX.

Thị trường chứng khoán vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ như FLC.

Các phân tích từ thị trường cho thấy, sức ảnh hưởng của “hệ sinh thái” FLC không đáng kể. Trong phiên giao dịch ngày 28-3, do nhiễu loạn tin đồn về ông Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC và tất cả cổ phiếu trong họ FLC đều giảm sàn. Thời điểm này, hiệu ứng tiêu cực lên thị trường khiến TTCK mất hơn 25 điểm; tuy nhiên khi chốt phiên giao dịch thì thu hẹp còn 16 điểm. Ngày hôm sau, thị trường tăng mạnh trở lại, gần như đã lấy gần hết điểm bị mất của phiên hôm trước. Tiếp theo, trong phiên ngày 30-3, sau khi chính thức có thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra hành vi thao túng TTCK, mặc dù nhóm cổ phiếu họ FLC tiếp tục nằm sàn, nhưng chỉ số VN-Index chỉ giảm 7 điểm.

Nhận định về việc này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, mức độ ảnh hưởng của họ cổ phiếu FLC đến TTCK không đáng kể, vốn hóa cũng như quy mô kinh doanh của “hệ sinh thái” này rất nhỏ. Theo số liệu phân tích của Công ty FIDT, chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp đầu tư tài chính, tổng doanh thu “hệ sinh thái” FLC khoảng 13.000 tỷ đồng, chỉ bằng 0,014% GDP Việt Nam. Về nợ ngân hàng bao gồm cả ngắn và dài hạn, chưa tính Bamboo Airways (do chưa có số liệu cụ thể vì chưa niêm yết) ở mức 8.400 tỷ đồng, rất nhỏ nên không có ảnh hưởng nào tới nền kinh tế hiện tại.

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, thị trường chứng khoán được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực. Do đó, các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường (lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường).

Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, vụ việc này chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK trong ngắn hạn. Còn về dài hạn thì đây lại là thông tin tốt vì tâm lý “đánh bạc”, “đầu cơ” của các nhà đầu tư sẽ bị loại bỏ, hướng dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp có uy tín.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2021, hiện nợ phải trả của FLC khoảng 24.065 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn. Ngân hàng cho FLC vay cao nhất là Sacombank với hơn 1.840 tỷ đồng, BIDV cho vay khoảng 1.747 tỷ đồng, OCB cho vay gần 1.400 tỷ đồng, NCB hơn 634 tỷ đồng, Agribank gần 170 tỷ đồng và tại các ngân hàng khác là hơn 273 tỷ đồng…

Nhóm cổ phiếu FLC, ROS vẫn nằm sàn và dư bán số lượng lớn.

Ngày 30-3, lãnh đạo Sacombank khẳng định, các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank đều bảo đảm tuân thủ pháp luật và an toàn, có đầy đủ tài sản bảo đảm. Đến nay, Tập đoàn FLC vẫn đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cũng cho biết, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần nhỏ cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways. Hiện tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản mà OCB nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB.

Trâm Anh 

Bài mới
Đọc nhiều