Chủ tịch Bình Dương: Nguồn lực y tế không đủ, chúng tôi cần chi viện
“Khó khăn hiện nay là nguồn lực y tế, các y tá, bác sĩ không đủ, tỉnh cần chi viện của Bộ Y tế và các địa phương mới có thể đáp ứng”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định con số F0 tăng nhanh là điều đã nằm trong dự đoán. Tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh và đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới.
Chuẩn bị kịch bản 30.000 ca mắc Covid-19
– Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch trên địa bàn, khi chỉ trong đợt dịch thứ tư, tỉnh đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc Covid-19?
– Tính đến 5/8, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 22.053 ca mắc Covid-19 tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 136 ca tử vong. Các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng cơ bản được kiểm soát.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca mắc mới tăng nhanh liên tục, tỉnh đã triển khai giải pháp trực chiến cao nhất theo hướng siết chặt quản lý từng địa bàn, các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm; kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong” ở các khu phong tỏa, cách ly.
Bình Dương cũng quyết định thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 2/8, người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường 24/24 giờ, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định.
Việc tăng số ca mắc là do tập trung truy vết, quét nhanh và tách F0 ra khỏi cộng đồng, nằm trong dự đoán của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
Từ ngày 19/7, Bình Dương bắt đầu triển khai công tác xét nghiệm diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời, xét nghiệm diện rộng toàn bộ khu công nghiệp của tỉnh. Trong quá trình xét nghiệm diện rộng, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện tăng lên. Việc tăng số ca mắc là do tập trung truy vết, quét nhanh và tách F0 ra khỏi cộng đồng, nằm trong dự đoán của tỉnh Bình Dương.
Thời gian tới, dự kiến hết tuần này, sau khi hoàn thành công tác xét nghiệm diện rộng trong các khu công nghiệp, chắc chắn số lượng F0 sẽ tăng nữa. Bên cạnh đó, với những địa bàn đã áp dụng Chỉ thị 16, sau khi tiếp tục sàng lọc cũng có thể phát hiện thêm ca mắc, song số lượng này sẽ giảm so với con số hiện nay.
Tỉnh Bình Dương đã xây dựng, chuẩn bị kịch bản cho 30.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn.
– Là địa phương giáp ranh với TP.HCM và một số địa bàn khác đang có diễn biến dịch phức tạp, Bình Dương gặp khó khăn gì trong công tác ứng phó với dịch bệnh?
– Một trong những yếu tố để thành công trong chống dịch là thực hiện giãn cách theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người dân cần hạn chế ra đường để tránh lây lan dịch bệnh. Song thực tế thời gian qua, một số người dân ý thức chưa cao, vẫn cố tình vi phạm. Đặc biệt, khi Bình Dương là nơi có nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân rất đông và rất chật hẹp nên điều kiện lây lan dịch bệnh rất cao.
Qua công tác xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ ca mắc ở các khu nhà trọ công nhân rất cao. Đó là một trong những yếu tố khó khăn trong phòng, chống dịch của tỉnh. Hơn nữa, nếu số lượng ca bệnh trong cộng đồng tăng nhanh, chúng tôi cũng lo quá tải hệ thống thu dung, điều trị F0 và cách ly F1.
Một khó khăn khác là thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và nguồn nhân lực y, bác sĩ nên tỉnh đã phải đề xuất với Trung ương xin chi viện.
Rất thiếu bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng
– Bình Dương tính toán thế nào về việc phân tầng điều trị để giảm thiểu số ca mắc chuyển nặng và số ca tử vong?
– Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương cũng phân 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 là điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng, chiếm khoảng 70-80% tổng số bệnh nhân.
Tầng 2 là bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền, chúng tôi xây dựng kịch bản có khoảng 10.000 giường. Đến nay, tỉnh đã chuẩn bị xong 6.000 giường và thời gian ngắn nữa sẽ thêm 2.500 giường, nâng tổng số lên 8.500 giường. Tùy tình hình thực tế, tỉnh có thể nâng lên hơn 10.000 giường.
Nguồn lực y tế, các y tá, bác sĩ không đủ, tỉnh cần chi viện của Bộ Y tế và các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
Để điều trị bệnh nhân nặng ở tầng 3 của tháp điều trị, Bình Dương tập trung xây dựng bệnh viện đa khoa của tỉnh để nâng lên 1.000 giường, hiện nay đã đáp ứng được 600 giường. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang hỗ trợ tỉnh xây dựng bệnh viện 500 giường để điều trị bệnh nhân nặng trên địa bàn Bình Dương.
Tỉnh cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất và tổ chức Trung tâm điều phối F0 để tối ưu hóa sự điều phối giữa các tầng, giúp việc điều trị bệnh nhân hiệu quả.
Song khó khăn hiện nay là nguồn lực y tế, các y tá, bác sĩ không đủ, tỉnh cần chi viện của Bộ Y tế và các địa phương mới có thể đáp ứng. Đặc biệt, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng ở tầng 3 đang rất thiếu, tỉnh đã kiến nghị Trung ương về việc này.
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo, hỗ trợ tích cực cho Bình Dương khi chi viện nhân lực, cử đại diện Bộ Y tế ở lại giúp Bình Dương chống dịch và điều động PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trực tiếp vào chỉ đạo công tác điều trị.
– Vậy chiến lược chống dịch thời gian tới của Bình Dương là gì, thưa ông?
– Chiến lược chống dịch của tỉnh Bình Dương được phân theo từng khu vực.
Các địa phương “vùng đỏ” sẽ tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi, khẩn trương dập dịch. Đặc biệt, cần ưu tiên tiêm vaccine cho người dân ở những vùng này.
Các địa phương “vùng vàng” khẩn trương làm sạch ca F0, nhanh chóng chuyển thành “vùng xanh”.
Những “vùng xanh” cần được giữ vững để làm vùng đệm vững chắc cho các địa phương phía nam.
Vừa qua Trung ương và các bộ, ngành đã hỗ trợ Bình Dương rất nhiều, song tỉnh kiến nghị bổ sung nguồn nhân lực và máy móc, thiết bị y tế cũng như vaccine để sớm kiểm soát tình hình, thiết lập lại trạng thái bình thường mới.
Tiêm vaccine cho công nhân của doanh nghiệp “3 tại chỗ”
– Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, Bình Dương tính toán phương án nào để đảm bảo mô hình “3 tại chỗ”, giúp chuỗi cung ứng, sản xuất không bị đứt gãy?
– Mô hình “3 tại chỗ” và “2 điểm đến 1 cung đường” đã được Bình Dương triển khai song song trong quá trình chống dịch. Hiện tỉnh có khoảng 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” với số lao động khoảng 350.000 người.
Để thực hiện hiệu quả, ngoài việc doanh nghiệp chủ động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh cũng hỗ trợ xét nghiệm cho toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn với mong muốn đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng triển khai tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, bắt đầu từ 6/8, với mục tiêu giữ “vùng xanh” cho doanh nghiệp, tránh để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Chống dịch và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là ưu tiên số 1.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
Song yêu cầu hàng đầu vẫn là an toàn. Chống dịch và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân vẫn là ưu tiên số 1, còn sản xuất luôn được tạo điều kiện hết mức nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ngoài ra, tỉnh cũng rất quan tâm chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trong tháng 8, tỉnh sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm và một phần tiền trọ, điện nước cho lực lượng công nhân lao động trên địa bàn. Khoảng 500.000 công nhân, lao động xa quê ở lại Bình Dương sẽ được hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cùng việc giảm tiền điện, nước, nhà trọ.
Để nắm bắt thông tin của người dân, tỉnh cũng triển khai các đội, nhóm ở phường, xã xuống tận cơ sở để kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị thiếu đói.
Hoài Thu