+
Aa
-
like
comment

Chủ tịch Bắc Ninh: ‘Chống dịch bằng giải pháp chưa có tiền lệ’

01/07/2021 08:24

Dịch bệnh bùng phát khiến Bắc Ninh đứng trước khả năng dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ giảm 3.600 tỉ đồng mỗi ngày, song tỉnh đã chọn giải pháp chưa có tiền lệ là đưa hàng trăm nghìn công nhân vào làm việc tại nhà máy.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 30/6 đánh giá Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, giải thể thêm Bệnh viện dã chiến thứ 3 trên địa bàn. Chúng tôi phỏng vấn bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, về quá trình chống dịch của địa phương này.

– Hai tháng qua dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào, thưa bà?

– Đợt dịch lần thứ 4 ở Bắc Ninh khác với những tỉnh, thành cũng bùng phát dịch vào thời gian này, vì chia làm hai đợt lây nhiễm xảy ra liên tiếp trên địa bàn. Đợt sóng thứ nhất bùng vào 5/5 khi phát hiện những ca mắc đầu tiên ở thị xã Từ Sơn và huyện Lương Tài liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tỉnh đã kích hoạt truy vết F1 trên diện rộng, phát hiện một loạt ca mắc mới ở Tiên Du và Thuận Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu ăn, ở của công nhân.

 

Riêng ổ dịch xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, đặc biệt phức tạp do những yếu tố lây lan trong cộng đồng như tham gia đám cưới, đám giỗ. Cùng lúc này lại xuất hiện ổ dịch mới lây từ Bệnh viện K (Hà Nội). Công tác truy vết, sàng lọc gặp nhiều khó khăn vì ca dương tính hình thành cùng một thời điểm ở nhiều địa bàn khác nhau, đa nguồn lây, nhiều ổ dịch.

Bắc Ninh tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chống dịch lây lan ra cộng đồng và các tỉnh, thành lân cận. Các khu dân cư liên quan đến ca nhiễm đầu tiên lập tức được cách ly y tế, đồng thời thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm cho toàn dân trong các thôn, khu phố, người liên quan.

Cùng lúc này, tỉnh phải tập trung rà soát việc chống dịch ở các khu công nghiệp, khi một ổ dịch xảy ra ở Khu công nghiệp Quang Châu của tỉnh Bắc Giang với hơn 30.000 công nhân giao thoa giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngay sau đó, các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện ở khu công nghiệm Khắc Niệm, Quế Võ (Bắc Ninh).

– Với hai đợt sóng Covid-19 nêu trên, Bắc Ninh đối mặt với những thách thức nào trong chống dịch?

– Tỉnh có 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc với tổng số 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước. Nếu đóng cửa tất cả, thì họ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó khả năng còn rủi ro hơn về phòng, chống dịch.

Nếu Bắc Ninh chọn phương án đóng băng tất cả nền kinh tế để tập trung cho công tác chống dịch, sẽ thuận lợi cho chính quyền, lực lượng tuyến đầu nhưng dẫn hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của tỉnh, mà cả nước, thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng này như Samsung, Canon…

Mặt khác, công nhân các khu công nghiệp làm việc trong môi trường kín, ở trọ xen lẫn trong khu dân cư với mật độ dày là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống dịch.

Đời sống của hàng trăm nghìn công nhân tạm trú trong các khu vực phong toả cũng đặt ra cho tỉnh nhiều thách thức cho vấn đề đảm bảo nhu yếu phẩm.

– Giữa biện pháp dễ là đóng băng nền kinh tế để chống dịch và tìm cách để thực hiện “mục tiêu kép”, Bắc Ninh đã ứng phó như thế nào?

– Ước tính một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp ở Bắc Ninh sẽ giảm 3.600 tỉ đồng chưa kể các dịch vụ thương mại khác. Thêm vào đó là gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó còn rủi ro hơn về phòng chống dịch.

Tình thế trên đặt ra yêu cầu tỉnh phải có quyết sách để vừa duy trì sản xuất mà vẫn chống dịch hiệu quả. Một trong những quyết sách được đặt ra là cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy. Chúng tôi đã rất đắn đo, đưa ra nhiều giải pháp và gặp mặt một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe ý kiến. Trên thực tế, có doanh nghiệp ủng hộ ngay, nhưng cũng có ý kiến nói khó thực hiện do không đảm bảo cơ sở vật chất.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo chống dịch tại thị xã Tiên Du.

Trong lúc dịch bệnh phức tạp như vậy chúng tôi xác định đó là phương án duy nhất, không còn phương án nào khác, không còn đường lùi, doanh nghiệp phải chọn một là đóng cửa, hai là vẫn sản xuất và đi làm. Bởi nếu cứ để đi làm như bình thường thì có thể nói nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn vô cùng lớn, thậm chí còn lớn hơn Bắc Giang rất nhiều.

Để thực hiện phương án trên, chúng tôi đã lập 40 đoàn công tác hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng khu ăn, ở tập trung cho công nhân. Không chỉ dùng nhà xưởng của doanh nghiệp mà tất cả các trường học đều được lệnh sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp làm nơi ở cho công nhân.

Thực tế nhờ việc áp dụng biện pháp này mà chuỗi sản xuất vẫn được duy trì và không bị đứt gãy. Đặc biệt, khi phát hiện 7 công nhân nhiễm Covid-19 (sau khi đã được xét nghiệm sàng lọc âm tính) ở một công ty trong khu công nghiệp Quế Võ, chúng tôi đã ngay lập tức khoanh gọn được ổ dịch đó là một phân xưởng, các phân xưởng khác vẫn sản xuất bình thường, dịch cũng không lây ra ngoài.

– Cùng với việc tổ chức cho công nhân ăn, ở tại nhà máy, Bắc Ninh còn áp dụng những biện pháp nào để chống dịch?

– Đầu tiên phải kể đến việc thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch. Ngày trong ngày đầu tiên có ca nhiễm tỉnh đã quyết định phong toả đối với nhiều khu dân cư, sau đó là toàn huyện Thuận Thành. Khi dịch lan rộng tỉnh đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với TP Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong. Huyện Lương Tài, Tiên Du và thị xã Từ Sơn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15.

Cùng với đó, triển khai xét nghiệm diện rộng tại Thuận Thành, TP Bắc Ninh, Quế Võ và Yên Phong. Việc xét nghiệm được thực hiện theo nguyên tắc, những địa nơi trên 14 ngày không có F0 thì chỉ lấy mẫu một lần, nhưng dưới 7 ngày có ca mắc mới thì lấy ít nhất 3 lần. Việc xét nghiệm này vừa đảm bảo không để lọt ca nhiễm mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Toàn tỉnh thành lập 6.700 Tổ Covid cộng đồng, 7.000 tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp. Đồng thời, lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch.

Cùng với đó là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ đầu ngành tuyến Trung ương và sinh viên các trường y ở nhiều tỉnh, thành đã tình nguyện đến “chia lửa” cùng Bắc Ninh chống dịch…

Bắc Ninh cũng khẩn trương tiêm 90.000 liều vaccine cho công nhân. Đây được coi là một trong những quyết sách mang tính căn cơ, dài hơi nhằm bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ lực lượng sản xuất chính.

Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp thiết lập QR code ở nhiều nơi trong nhà máy, cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại, thực hiện khai báo y tế và cung cấp thông tin của của toàn thể công nhân cho các cơ quan chức năng.

– Hiện tình hình dịch bệnh ở Bắc Ninh như thế nào, tỉnh đặt ra mục tiêu kiểm soát dịch bệnh cũng như tăng trưởng từ nay đến cuối năm ra sao?

– Hiện Bắc Ninh đã cơ bản khống chế được dịch, nhiều địa phương qua 21 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, nhiều địa bàn đã và đang dỡ bỏ cách ly, giảm dần mức độ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19. Chỉ còn ổ dịch ở TP Bắc Ninh là phức tạp nhưng chúng tôi cố gắng giải quyết trong thời gian tới.

Mặc dù, đại dịch Covid-19 bùng phát, song kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; dự nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%.

Mục tiêu của tỉnh là vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra từ đầu năm là tăng GRDP năm 2021 tăng từ 4-5%. Chúng tôi tạo mọi điều kiện ổn định đưa người lao động sớm trở lại làm việc để khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động vì nhiều lý do như: phải cách ly; ở trong khu vực bị phong tỏa hoặc do các địa phương kiểm soát công dân đến làm việc tại vùng có dịch.

Gia Chính/ VNE 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều