+
Aa
-
like
comment

“Chủ quyền kinh tế”, lợi ích quốc gia – không gì đánh đổi!

28/08/2019 09:27

Ngày 20/8 vừa qua, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã đưa ra nhiều nội dung chỉ đạo rất đáng chú ý về hoạt động thu hút, tiếp nhận luồng vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều biến động hiện tại của kinh tế trong và ngoài nước.

duongsat
Đường sắt Bắc Nam sắp khởi công xây dựng

Theo nội dung ghi nhận tại Nghị quyết, Bộ Chính trị nhận thấy, điểm tồn tại, hạn chế của hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Đó là: “Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường…; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế”…

Đây cũng là những nhược điểm của dòng vốn ngoại đã được nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều tổ chức, hiệp hội trong nước chỉ ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề để định hướng công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới đã cho thấy tính chất cấp thiết, tối quan trọng của vấn đề này.

Các phi vụ “chuyển giá” nhằm trốn thuế, các sự cố môi trường đáng lo ngại mà điển hình là Formosa, các dự án triển khai kéo dài, thiếu vốn trầm trọng và không hiệu quả như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, rồi một số dự án “nhạy cảm quốc phòng” buộc bị huỷ tại Sơn Trà, Đà Nẵng…

Chúng ta không phủ nhận đóng góp to lớn của dòng vốn ngoại vào sự phát triển nhảy vọt của nền kinh tế trong 30 năm qua, song mặt trái của nguồn vốn này cũng đã bộc lộ ra rất rõ rệt. Thế nên, không thể vì thành tích của một vài địa phương, vì tăng trưởng trong ngắn hạn hay vì lý do này, lý do khác mà chấp nhận đánh đổi lợi ích dài hạn, đặc biệt là những vấn đề có ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền đất nước.

Cũng bởi vậy, nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để khắc phục thực trạng nói trên, Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu: Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên…

“Chủ quyền kinh tế”, lợi ích quốc gia - không gì đánh đổi! - 1

Đặc biệt là nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Người viết xin được trích khuyến nghị của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài về vấn đề này (đã đăng trên Dân trí ngày 23/8/2019): “Trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình”.

Do vậy, “những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng”, vẫn là lời của Giáo sư Mại.

Suy cho cùng, vốn để phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng “chủ quyền kinh tế” thì không thể “cân, đo, đong, đếm” được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 73 năm về trước đã dặn dò: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, do đó, trong mọi trường hợp, lợi ích kinh tế luôn phải gắn với phát triển bền vững, gắn với chủ quyền. Trách nhiệm của những cá nhân quyết định dự án theo đó rất quan trọng và phải được quy định rõ.

Điều này càng cần được lưu tâm hơn nữa khi nguồn vốn ngoại thông qua góp vốn, mua cổ phần ngày càng tăng mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại nổ ra. Và nhất là tới đây, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ được triển khai, cần huy động vốn lớn, mà cao tốc Bắc – Nam, đường sắt tốc độ cao là ví dụ.

Bích Diệp

Bài mới
Đọc nhiều