Chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ không nhân nhượng lấy hữu nghị viển vông
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh phải giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nhưng không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền. Đặc biệt, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng con đường hòa bình
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 15/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Trước nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng của cử tri về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động và cho biết, tại hội nghị Trung ương 11, ông và Ban chấp hành Trung ương đã dành một ngày nghe báo cáo về vấn đề biển Đông để “có thông tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao”.
Ông phân tích, Việt Nam đang xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trên trường quốc tế. Đơn cử hồi tháng 6, 192/193 nước đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tuy nhiên, mỗi khu vực, địa bàn có sự phức tạp, nhạy cảm riêng, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn giữ hai nguyên tắc là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nhưng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Xử lý mối quan hệ này không đơn giản. Nặng về bên nào đều bị phê phán”, ông nói với cử tri.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng khẳng định, dựa trên nguyên tắc “tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, Việt Nam sẽ “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ông cũng kêu gọi cử tri cảnh giác với những quan điểm cực đoan về vấn đề biển Đông, bởi sự kích động sẽ gây chia rẽ giữa lãnh đạo và nhân dân là điều “rất nguy hiểm”.
“Thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng đây là vấn đề cần có tầm nhìn chiến lược.
Quan điểm của Đảng là mọi vấn đề tranh chấp phải giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị. Càng hòa bình, hữu nghị, ta càng giữ vững được đất nước. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta không sẵn sàng để trong trường hợp không giữ vững được đất nước bằng con đường hòa bình, thương thảo, buộc ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh quân sự.
Chúng ta mong giữ nước bằng con đường tự vệ hoàn toàn, ta không đe dọa ai, không sử dụng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào, trừ trường hợp bị tiến công xâm lược, lúc đó ta buộc phải cầm súng.
Dân tộc ta đã hy sinh, tổn thất quá nhiều trong chiến tranh rồi, hơn ai hết ta yêu chuộng hòa bình. Nhưng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, không ai có quyền nhân nhượng. Chúng ta bình tĩnh giải quyết bằng con đường hòa bình, thương thảo, hữu nghị, ngoại giao, pháp lý, chứ không bao giờ nhân nhượng.
Không chấp nhận đánh đổi chủ quyền để có lấy hữu nghị viển vông
Có thể nói vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung là một vấn đề song phương giữa hai nước có yêu sách là Việt Nam và Trung Quốc.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa là liên quan đến yêu sách của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Trung Quốc do vậy cần đàm phán đa phương. Còn vấn đề chủ quyền trên biển Đông thì liên quan đến quyền lợi của cả những nước khác trên thế giới.
Để bảo vệ tối đa lợi ích của mình, Trung Quốc sử dụng nhiều thủ đoạn để làm phức tạp tình hình như cử tàu chiến và máy bay ra Bãi Cỏ Rong để răn đe Philippines. Trước đây Trung Quốc cũng đã đâm tàu và cắt cáp tàu Việt Nam rồi, nhưng khu vực xảy ra là ở vùng ngoài 200 hải lý hoặc vùng tranh chấp.
Vấn đề leo thang tranh chấp tại khu vực Biển Đông có thể là một ngòi nổ cho xung đột tại khu vực, nếu có xảy ra thì thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng đến tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.
Nhưng không có nghĩa vì điều này mà Việt Nam phải nhân nhượng với Trung Quốc, bởi vì trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Vậy liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?
Giải pháp hòa bình trên biển Đông vẫn là mục tiêu Việt Nam theo đuổi chính là sự kiên quyết trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ khi đàm phán với Trung Quốc và ASEAN, để có được sự ủng hộ cần thiết nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của mình tại đây. Quốc hội cần nhanh chóng hoàn chỉnh và ban hành luật biển. Chuẩn bị sẵn sàng đối phó, chủ động trong mọi tình huống bất ngờ về xung đột vũ trang có thể xảy ra.
Đây không phải là lần đầu tiên quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề Biển Đông chúng ta sẽ nhân nhượng, chấp nhận cho quốc gia khác bành trướng, xâm phạm lãnh thổ. Cách đây không lâu trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines hồi năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi của báo giới nước ngoài về vấn đề Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Tuyên bố này đã xóa bỏ mọi hoài nghi, xuyên tạc về việc chúng ta có là “sân sau” của một quốc gia nào đó, khẳng định sự kiên quyết trong việc tạo dựng một nền kinh tế, chính trị độc lập. Tuyên bố ấy còn khởi đầu cho một thời kỳ, một hướng đi của Việt Nam trước những cam go, thử thách của tình hình khu vực và thế giới.
Từ lịch sử dựng nước và giữ nước, đến nhà nước phong kiến đầu tiên tiên được hình thành, đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ nhân nhượng, khoan nhượng và chấp nhận cho sự xâm hại, lãnh thổ chủ quyền của dân tộc.
Chính vì vậy, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong vấn đề Biển Đông cần có tầm nhìn chiến lược. Có tác dụng khích lệ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ý nguyện của mọi con dân đất Việt cũng chỉ đơn giản như vậy thôi: không có thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào hết.
Về sâu xa, thông điệp của này cũng chính là bài học truyền đời mà ông cha ta từng luôn luôn cảnh giác nhắc nhở cháu con: phải tỉnh táo, phải rạch ròi, phải dứt khoát phân địch rõ ranh giới trong mối quan hệ với láng giềng. Như vế đối của vị thám hoa Giang Văn Minh ngày xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ).
Đinh Lực