+
Aa
-
like
comment

Chủ quyền biển, đảo và những tư duy “thiển cận”

Komi - 06/12/2020 17:52

Trong vấn đề đối ngoại, cụ thể là việc giải quyết các tranh chấp diễn ra tại biển Đông, Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao bởi có lập trường nhất quán, rõ ràng, tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trái với cái nhìn của những nhà ngoại giao, đi ngược lại với sự đánh giá của cộng đồng quốc tế nói chung, một hay một nhóm người nào đó vẫn cố chấp phủ nhận điều này.

Đã không ít lần, mạng Internet tràn ngập những thông tin xuyên tạc rằng chính phủ Việt Nam không có hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân,… mà chỉ có tuyên bố “quan ngại”. Để củng cố cho luận điểm này, một loạt so sánh cách giải quyết tranh chấp trên biển Đông của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Philipin, Đài Loan,… đã được đưa ra. Với tâm thế tiếp nhận thông tin một cách bị động, dư duy kiểu “lướt qua”, không ít người đã bị cuốn theo lối dẫn dắt thông tin này.

Việc hiểu sai bản chất vấn đề như trên không những làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn gây những hệ lụy nghiêm trọng đến nhận thức, tư duy và cả hành động của cộng đồng dân tộc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng.

Những tư duy “thiển cận”

Thứ nhất, nói Việt Nam chỉ biết “quan ngại” mà không có động thái cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân là thể hiện sự vô tâm và vô ơn.

Trái ngược với những người suốt ngày chỉ trích nhà nước chẳng làm gì để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thì từng ngày, từng giờ, những cán bộ, chiến sĩ hải quân canh gác trên những nhà giàn DK1, dù điều kiện khó khăn, gian khổ vẫn hiên ngang chắc tay súng, bảo vệ, giữ vững vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng năm, ngân sách Trung ương và các địa phương đều chi ra các khoản hỗ trợ giải quyết các nhu cầu của ngư dân như đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang thiết bị, bảo quản sản phẩm; trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc. Từ đó, tạo thuận lợi cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển.

Trên thực tế, còn vô số các chính sách quân sự – quốc phòng khác mà biết bao nhiêu lực lượng, biết bao nhiêu con người vẫn đang ngày đêm gắng sức thực hiện vì Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Xin đừng vô tâm với những ngư dân bám biển ngoài khơi, đừng vô ơn với những chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, cũng đừng phá hoại thêm công sức của cả dân tộc này.

Thứ hai, đem Việt Nam so sánh với Đài Loan, Philippines,… thể hiện sự kém hiểu biết và “nửa mùa”.

Năm 2016, người ta liên tục ca ngợi Philipin “làm nên kỳ tích”, “gan dạ” kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế (PCA) và đã giành “chiến thắng”. Tuy nhiên, những người này thậm chí còn không hiểu bản chất phán quyết của PCA chỉ tập trung phán xét về việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc phân định các vùng chồng lấn. Đáng nói hơn năm 2019, Philippines đã chấp nhận thỏa thuận khai thác chung dầu khí chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển Đông. Lúc này, những người từng ca ngợi “Philippines dũng cảm” hẳn là đã chẳng còn lời nào để nói. Philippines với những chính sách của họ về chủ quyền trên biển đang cho thấy sự thiếu nhất quán mà thiết nghĩ Việt Nam chưa bao giờ cần phải học theo.

Mới đây, thông tin “Đài Loan sửa quy định, cho phép bắn trả nếu bị tấn công trên Biển Đông. Nếu các tàu Đài Loan bị tấn công gần các thực thể tranh chấp trên Biển Đông, quyền bắn trả sẽ do người đứng đầu Hội đồng các vấn đề đại dương (OAC) quyết định” lại tiếp tục được đem ra để công kích chính phủ Việt Nam. Trang Fanpage Facebook “Việt Tân” theo đó cũng có bài cơ ngợi “tinh thần yêu nước và sự quyết tâm bảo vệ đất nước” của Đài Loan và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải học theo.

Thông tin xuyên tạc khi Đài Loan ra quy định bắn trả trên biển Đông

Dễ thấy, sự so sánh lần này cũng không khác nhiều so với việc so sánh Philippines và Việt Nam từ năm 2016 khi nó đều cho thấy sự kém hiểu biết và nhận thức sai lệch của một số người. Đài Loan ra quy định bắn trả nếu bị tấn công trên biển Đông không đồng nghĩa với việc đây là quy định nhằm “chống Trung Quốc” như bài phân tích đã nêu. Ai cũng hiểu, Đài Loan cho đến nay vẫn chỉ được coi là “vùng lãnh thổ”, không phải một “quốc gia độc lập” và việc chính quyền Đài Loan phụ thuộc nhiều vào chính quyền Trung Quốc thì chuyện đối đầu có xảy ra trên thực tế hay không? Chưa hết, rất nhiều quốc gia khác cũng có quy định bắn trả nếu bị tấn công, nhưng thực tế thì sự đáp trả và tấn công này cũng chỉ xảy ra ở các vùng đang có chiến tranh quân sự mà không thể áp dụng tại các vùng tranh chấp như tại biển Đông. Cuối cùng, muốn đánh giá chính sách của một quốc gia thì vẫn nên nhìn vào những hành động thực tế của họ chứ không phải những quy định trên giấy.

Thứ ba, mong muốn Việt Nam phải phải học theo chính sách đối ngoại, quân sự, quốc phòng của quốc gia khác một cách máy móc thể hiện nông cạn.

Với phát triển kinh tế, xã hội, các quốc gia có thể học tập mô hình phát triển, các thành tự khoa học, kỹ thuật,… nhưng với quân sự, quốc phòng, đối ngoại thì không thể. Mỗi quốc gia phải có định hướng quân sự, quốc phòng, đối ngoại riêng, phù hợp với điều kiện, tình hình, khả năng của quốc gia đó. Do vậy, việc đem so sánh chính sách đối ngoại, quân sự, quốc phòng thực chất chỉ là sự so sánh nhằm chủ đích hạ bệ, xuyên tạc chứ không nhằm cho mục tiêu phát triển.

Quay về việc đem Việt Nam so sánh với Đài Loan, Philippines,… Sẽ ra sao nếu người Việt Nam cứ mãi đề cao Đài Loan, Philippines,… mà không biết được rằng thực tế tình hình tại đất nước mình đang diễn ra như thế nào? Chưa kể đến việc Đài Loan hay Philippines hiện cũng đang là các bên tranh chấp với Việt Nam tại biển Đông, ca ngợi hay học tập họ phải chăng chúng ta cũng đang tự đánh mất đi chủ quyền, lòng tự tôn dân tộc của mình?

Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, lòng yêu nước là một giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Vì thế, đừng để những thứ thiêng liêng, quý báu ấy bị ảnh hưởng chỉ vì chúng ta vội vàng tin theo vài ba lời tầm phào kém hiểu biết trên mạng. Bình tĩnh tư duy, trau dồi nhận thức cũng chính là cách để bảo vệ vững chắc hơn chủ quyền dân tộc!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều