+
Aa
-
like
comment

Chủ quán nướng ở Bắc Ninh bắt cô gái quỳ vì “bóc phốt” đồ ăn đối mặt hình phạt nào ?

Sơn Ca - 20/08/2020 09:38

Dưới góc độ pháp lý, hành vi bắt cô gái quỳ xin lỗi của chủ quán nướng đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ đó là nhân phẩm, danh dự và quyền tự do thân thể của công dân.

Vụ chủ quán nướng ở Bắc Ninh bắt cô gái quỳ vì "bóc phốt" đồ ăn: Luật sư nói gì? - Ảnh 1

Cô gái quỳ gối trước mặt chủ quán – Ảnh cắt từ clipTối ngày 19/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Thiện (SN 1973) – chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh về tội làm nhục người khác.

Nguyễn Văn Thiện bị khởi tố bắt giam do có hành vi dọa nạt, chửi bới, bắt một cô gái quỳ gối do dám chê đồ ăn ở quán Thiện làm chủ có giun sán trên mạng xã hội.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) dẫn Điều 20 của Hiến pháp 2013 cho hay: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Điều 34 Bộ luật dân sự “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Ngày 19/8, mạng xã hội facebook lan truyền đoạn clip một phụ nữ bị chủ nhà hàng bắt quỳ, xin lỗi do đăng tải thông tin không tốt về quán trên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao nên cần thiết phải được các cơ quan chức năng làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật nếu đúng như sự việc xảy ra trên thực tế như vậy.

Theo luật sư Thơm, dưới góc độ pháp lý, hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ đó là nhân phẩm, danh dự và quyền tự do thân thể của công dân. Hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác. Bên cạnh đó, hành vi của đối tượng có thể vi phạm vào tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 và khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự.

“Đáng lẽ ra với việc phản ánh của cô gái khi đồ ăn của nhà hàng kém chất lượng thì chủ quán và nhân viên phải xem xét lại đồ ăn và phản ánh của khách hàng để phục vụ tốt hơn nhưng đáng tiếc chủ quán và mọi người lại có hành vi ứng xử rất thiếu hiểu biết pháp luật khi cho người đi tìm, bắt ép cô gái đưa về quán để chửi rửa thậm tệ, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm người khác”, luật sư Thơm nhận định.

Trước đó, mạng xã hội đồng loạt đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh 1 cô gái quỳ dưới nền nhà, trước mặt rất nhiều người. Trong đó, có một người đàn ông ngồi trên ghế liên tục chửi bới.

Sự việc xảy ra tại một quán bán đồ nướng (địa chỉ phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Người đăng tải clip cho biết, nguyên nhân sự việc là do cô gái đi ăn và thấy trong đĩa có sán, gây mất vệ sinh nên đã đăng lên Facebook cá nhân.

Ngay sau khi vị thực khách đăng tải nội dung “bóc phốt” nêu trên chủ quán đã “triệu tập” cô gái này đến quán. Tại đây, gã ép “vị thượng đế” quỳ xuống giữa quán rồi quay lại video phát trực tiếp lên mạng xã hội.

Chưa dừng lại, sau khi bắt cầu cô gái quỳ xuống đất để xin lỗi. Gã chủ quán còn liên tục dùng lời lẽ thô tục để thoá mạ cô gái, khiến cô này van khóc nức nở.

Ông Nguyễn Song Hà – Chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh đánh giá, sự việc diễn ra gây hoang mang dư luận. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND TP. đã ra công văn hoả tốc yêu cầu Công an thành phố phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều