+
Aa
-
like
comment

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: ‘Là đại biểu Quốc hội, tôi thấy còn nợ dân’

15/03/2021 10:46

Đánh giá Quốc hội khóa 14 là nhiệm kỳ Quốc hội “rất thành công”, song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông thấy vẫn còn nợ người dân.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội /// Ảnh Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Nhiệm kỳ Quốc hội rất thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Sáng 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 54, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Là người đầu tiên nêu ý kiến phát biểu vào dự thảo báo cáo tổng kết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, cho biết đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, có thể dùng 2 từ ngắn gọn là: thành công.

“Nói rộng hơn là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, cư tri, nhân dân giao phó”, ông Giàu nhấn mạnh và bày tỏ rằng ông không được “mát lòng” khi dự thảo báo cáo nói về những hạn chế trong công tác đối ngoại của Quốc hội mà ông phụ trách vì cho rằng, hoạt động đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều kết quả.

Ở cuối phần phát biểu, ông Giàu xin dành mấy phút nói về những trăn trở của mình “vì đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14”.

“Thực sự cá nhân tôi làm đại biểu Quốc hội, là đại biểu do cử tri bầu ra tôi thấy còn nợ dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nói.

Theo ông Giàu, điều ông thấy nợ lớn nhất là câu chuyện “được mùa, mất giá” của nông dân.

“Bây giờ khắc phục được một số sản phẩm rồi nhưng các sản phẩm khác vẫn bị. Năm nay được giá lúa thì giá xoài không được. Suốt năm 2019 giá cá không được. Có thể nói, cái băn khoăn nhất, thấy nợ nhiều nhất”, ông Giàu chia sẻ.

“Món nợ” thứ 2, ông Giàu cho biết, là cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã quá tụt hậu, quá tải. Ông Giàu cũng mong 2 dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Cần Thơ – Châu Đốc sẽ sớm triển khai như kế hoạch; đồng thời, kiến nghị sớm đầu tư đường sắt từ TP.HCM – Cần Thơ để giúp đồng bằng sông Cửu Long tăng khả năng cạnh tranh, giảm giá thành hàng hóa và giảm tải cho đường bộ.

Ông Giàu cũng kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Quốc hội 14 đã phê chuẩn, thông qua. “Quốc hội khóa mới cần quan tâm tập trung giám sát Chính phủ triển khai khai thác hiệu quả các hiệp định này để người dân thụ hưởng các thành quả của các hiệp định này”, ông Giàu nói.

Nêu ý kiến sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cũng khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 “rất thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ông Túy nhấn mạnh, Quốc hội khóa 14 đã chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận và tranh luận. Bên cạnh đó, trước đây, Quốc hội và các đoàn thể vẫn được gọi là “bánh xe thứ 5” nhưng nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã trở thành động lực, động cơ của hệ thống chính trị.

Một số luật tính khả thi chưa cao, còn mâu thuẫn, chồng chéo
Trước đó, trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: 'Là đại biểu Quốc hội, tôi thấy còn nợ dân' - ảnh 1
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14

Tuy nhiên, theo ông Phúc, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, chương trình còn phải điều chỉnh nhiều.

Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Theo ông Phúc, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi dự án luật đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đồng thời, hiện, chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều