Chủ nghĩa đa phương là gì mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng đều nhắc tới?
Ngày 22/9, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã triệu tập cuộc họp Khóa 75 với tên gọi “Tương lai mà chúng ta muốn, LHQ mà chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể về chủ nghĩa đa phương – đối phó COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Đây là phiên họp đầu tiên của LHQ thảo luận trực tuyến về vấn đề ứng phó đại dịch toàn cầu COVID-19, đồng thời tái khẳng định những cam kết của các thành viên về chủ nghĩa đa phương. Trong kì họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương.
Trong thông điệp gửi Đại hội đồng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi một thông điệp quan trọng, khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc, góp phần xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả.” Cũng trong khuôn khổ Khóa 75 của Đại hội đồng, Thủ tướng đã đề cao vai trò của LHQ với tư cách “trung tâm điều phối hành động của các quốc gia”, nhấn mạnh: “Thực tại càng cam go, thử thách, chúng ta càng cần đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên Hiệp Quốc.”
Vậy chủ nghĩa đa phương là gì? Tại sao lại được cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến và đề cao trong thông điệp của mình?
Chúng ta thường nghe đến những khái nghiệm “chủ nghĩa đơn phương”, “hợp tác song phương”, hay “chủ nghĩa đa phương” trong các cuộc thảo luận hợp tác giữa các quốc gia. Trong những thế kỷ trước, khi hạn chế về thông tin liên lạc và giao thông toàn cầu, sự giao lưu giữa các quốc gia ở cấp đọ song phương, tức hai quốc gia thiết lập các mối quan hệ chính trị, văn hóa, kinh tế… Song với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhu cầu gắn kết lợi ích của nhiều quốc gia với nhau trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, ngoại giao… đã đặt ra yêu cầu về một hình thức hợp tác mới, nhưng không mâu thuẫn với các mối quan hệ song phương vốn có của các thành viên. Và từ đó, chủ nghĩa đa phương được hình thành với giá trị gắn kết cốt lõi là sự công bằng, hợp tác tập thể và tác động qua lại mang tính tương hỗ, thể hiện hình thức hợp tác rộng và sâu giữa các quốc gia. Ngày nay, chủ nghĩa đa phương là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống quốc tế và ngoại giao đương đại.
Có thể hiểu rằng quan hệ đa phương là hình thức ngoại giao giữa nhiều quốc gia, nhằm mục đích giải quyết những vấn đề chung như chiến tranh, hoà bình, hợp tác và đấu tranh để cùng tồn tại và phát triển. Các quốc gia có thể thiết lập quan hệ đa phương thông qua việc ký kết, thừa nhận các điều ước, công ước, hiệp định… quốc tế. Một ví dụ điển hình cho quan hệ đa phương là sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO – World Trade Organization), được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Ở quy mô khu vực hóa, sự ra đời Liên minh Châu Âu EU hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN cũng là thành quả hợp tác đa phương của các quốc gia trong khu vực.Bên cạnh những lợi ích phát triển kinh tế, chủ nghĩa đa phương còn là chìa khóa cho sự ổn định và hòa bình trên thế giới. Ngày 10/12/1982, sau ba cuộc Hội nghị, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) ra đời, thiết lập một hệ thống quy định các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương, đặt ra một tiếng nói chung cho thế giới về chủ quyền biển đảo. Thành quả đó, nếu không có sự hiện diện của chủ nghĩa đa phương, sẽ không thể đạt được như ngày hôm nay.
Có thể thấy, chủ nghĩa đa phương và sự hội nhập toàn cầu hóa đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực, không chỉ cho riêng từng quốc gia, mà còn có vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển của toàn thế giới. Chính vì lẽ đó, Việt Nam đề cao vai trò của hợp tác đa phương. Trên thực thế, định hướng chính sách “đa dạng hóa, đa phương hóa” đã được thực hiện từ giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, có xuất phát điểm từ chính sách kinh tế đối ngoại. Tháng 5-1988, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Nghị quyết số 13-NQ/TW về Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Theo đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Về lĩnh vực, hoạt động ngoại giao từ quan hệ chính trị là chủ yếu sang quan hệ chính trị – kinh tế. Về đối tác, bên cạnh các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam mở ra quan hệ với các nước Đông Nam Á, các nước phương Tây. Định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa” chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội VIII (6-1996) và từ đó được tiếp tục khẳng định trong các văn kiện của Đảng.
Kể từ khi gia nhập liên hiệp quốc, hòa mình trong sự hợp tác, phát triển đa phương, Việt Nam đã luôn nỗ lực phát huy vai trò thành viên của mình. Trong kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 68 về “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chung về hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ trương giải quyết hòa bình các xung đột trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế… Hay tại Đối thoại Shangri-La, Singapore, Thủ tướng lần đầu tiên chính thức công bố quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Trong những năm qua, vai trò và sự đóng góp của Việt Nam cho Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới ngày càng rõ nét. Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC với sự tham dự của nhiều nguyên thủ các cường quốc trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ George W. Bush. Tháng 12/2016, một lần nữa chúng ta lại tổ chức thành công APEC 2017, khẳng định Việt Nam là lựa chọn tuyệt vời cho các diễn đàn khu vực và thế giới. Tháng 8/2019, Việt Nam vinh dự trúng cử tư cách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193, cho thấy sự tín nhiệm của LHQ đối với nước ta, bởi vai trò Việt Nam đảm nhiệm được đánh giá là rất khó khăn, khi thế giới đang có nhiều điểm nóng xung đột như Ukraine, Venezuela, Trung Đông, và cả khủng bố toàn cầu. Không chỉ là thành viên tích cực, Việt Nam còn là cầu nối hòa bình cho nhiều sự kiện quan trọng trên thế giới, như cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên vào tháng 7/2019. Điều đó cho thấy, Việt Nam không chỉ là thành viên quan trọng, mà còn là nhân tố hòa bình then chốt trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, những biến động trong năm 2020, đặc biệt là dịch Covid-19, đã đặt ra một thách thức lớn đối với chủ nghĩa đa phương, khi thế giới không có một sự nhất quán trong phương án đối phó với đại dịch. Tình hình phức tạp càng khiến chủ nghĩa đơn phương và các tư dưởng dân túy dần len lỏi, mang theo những suy nghĩ đi ngược với thời cuộc, tách rời quốc gia khỏi sự hội nhập chung của thế giới. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, chủ nghĩa đa phương lại càng cần được đề cao, sự phối hợp, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của các quốc gia lại càng phải được chú trọng. Sự chung tay của từng cá nhân, từng quốc gia, tăng cường vai trò của hợp tác đa phương, chính là cách để cả thế giới vượt qua đại dịch COVID-19, như Thủ tướng đã nhấn mạnh trong thông điệp gửi Đại hội đồng: “Việt Nam có câu ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’, thực tại càng cam go, thử thách, chúng ta càng cần đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ, nghiêm túc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; đặt con người ở trung tâm của mọi nỗ lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.”
Không ai bị bỏ lại phía sau, phương châm của nước ta từ những ngày đầu tiên chống đại dịch đã được Thủ tướng truyền đạt đến cơ quan cao nhất của LHQ trong thông điệp đầy ý nghĩa của mình, như một cách thay lời đất nước bày tỏ sự quyết tâm, đồng lòng với thế giới, với Liên Hiệp Quốc và chủ nghĩa đa phương, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và an toàn.
HẠNH VĂN