Chú họ của quân nhân Trần Đức Đô khai gì với cơ quan điều tra?
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã lấy lời khai toàn bộ cán bộ, học viên và cả chú họ của quân nhân Trần Đức Đô. Những người này đều khẳng định không có hiện tượng hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra.
Liên quan đến vụ quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, trú P.Châu Khê, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) tử vong, Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) đã có thông báo về kết quả điều tra vụ việc. Cụ thể, quân nhân Đô được xác định tử vong do ngạt, tự treo cổ.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã dựng lại vị trí, tư thế treo cổ của quân nhân Đô theo mô tả của những quân nhân phát hiện sự việc đầu tiên, xác định khi đó Đô mặc áo lót bộ đội màu xanh, quần rằn ri K20, chân đi dép rọ bộ đội, người duỗi thẳng, mặt quay về hướng Tây, bàn chân cách mặt đất 1,23 m.
Cơ quan Điều tra đã trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên giám định pháp y tử thi quân nhân Đô để xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể; trưng cầu Viện Pháp y Quân đội giám định độc chất trong phủ tạng; tình trạng mô bệnh học trong phủ tạng và da cơ; nồng độ cồn trong máu; xét nghiệm chất ma túy. Trưng cầu Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định so sánh các chất bám dính trên cơ thể, quần áo với dây dù và vỏ cây keo thu ở hiện trường.
Qua kết quả giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên kết luận nguyên nhân chết của quân nhân Đô là ngạt do treo cổ. Thời gian chết sau bữa ăn cuối cùng từ 2 – 3 giờ; thời gian chết đến thời điểm khám nghiệm tử thi từ 6 – 8 giờ.
Về cơ chế hình thành các dấu vết trên thi thể của Đô, vết rãnh hằn vùng cổ và sây sát da vùng cằm trái, mặt tím tái phù nề, sung huyết các phủ tạng… do treo cổ; vết sây sát da và tụ máu dưới da vùng thái dương phải do tác động tương hỗ với vật có bề mặt không phẳng; vết sây sát da vùng ngực và cổ tay trái do tác động tương hỗ với vật có bề mặt không phẳng; các vết sẹo mờ hình tròn vùng hạ sườn trái và hố chậu trái là bệnh lý da.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã lấy lời khai của toàn bộ cán bộ, học viên, nhân viên phục vụ đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14 và một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 cùng với quân nhân Đô, trong đó có quân nhân Trần Văn Hiếu (19 tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ, huấn luyện tân binh cùng đơn vị và là chú họ của quân nhân Đô). Các lời khai đều khẳng định không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Đa số đều nhận xét quân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỷ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai…
Kết quả kiểm tra, xác minh không phát hiện thấy quân nhân Đô bị xúi giục, bức ép, làm nhục; không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình, quan hệ tình cảm nam nữ; không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay nợ; không có việc bị đánh đập hành hung.
Các dấu vết sây sát trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa Đô xuống để cấp cứu đã làm va quệt vào thân cây gây ra. Với diễn biến và kết quả kiểm tra, xác minh nêu trên, đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội xảy ra.
Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 157 và khoản 1 điều 158 bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân khu 1) đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), ngày 26.6, Đại đội 14 (Quân khu 1) tổ chức cho bộ đội hành quân vào thao trường huấn luyện theo kế hoạch. Khoảng 14 giờ ngày 28.6, trong lúc chuẩn bị huấn luyện thì quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy đơn vị ra ngoài đi vệ sinh, lý do bị đau bụng.
Khoảng 20 phút sau không thấy quân nhân Đô quay lại, chỉ huy Đại đội 14 đã cử 3 chiến sĩ đi tìm thì phát hiện quân nhân này đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện khoảng 50 m, nên đã đưa xuống và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Đến 15 giờ 30 cùng ngày, bệnh viện thông báo quân nhân Đô đã tử vong.
Trần Cường