Chủ doanh nghiệp ‘nghĩ đến nhảy lầu’ vì không được làm đúng pháp luật
“Tôi làm đơn gửi lên UBND TP.HCM và các sở ngành xin cho doanh nghiệp được làm đúng theo quy định pháp luật nhưng hết lần này đến lần khác bị từ chối. Giờ tiền đã đổ hết vào dự án nhưng không thể tiếp tục, tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – giám đốc Công ty TNHH An Hạ – bức xúc phát biểu tại cuộc họp với Sở NN&PTNT TP.HCM về tiến độ thực hiện nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày 18-11.
Bà Thắm cho hay, dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi, TP.HCM) do Công ty An Hạ triển khai 5 năm qua theo chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND TP.HCM. Thế nhưng vì chỉ vướng một con mương bên trong dự án với diện tích chưa đến 390m2 trong tổng số gần 30.000m2 (3ha) mà suốt từ năm 2018 đến giữa năm 2020 công ty không thể nhận được quyết định bàn giao đất để xây dựng.
Sau nhiều đơn từ kêu cứu, ngày 14-9-2020, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM (Sở TNMT) có văn bản số 8185/STNMT-QLĐ trình UBND TPHCM xem xét, quyết định cho công ty thuê đất để xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ.
Tuy nhiên, Sở TNMT lại đưa nội dung “hình thức sử dụng đất: thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm”. Ngày 14-10-2020, UBND TP.HCM có Quyết định số 3845/QĐ-UBND cho công ty thuê đất với hình thức sử dụng đất là đóng tiền thuê đất hằng năm.
Theo bà Thắm, quyết định này giống như một đòn “kết liễu” đối với Công ty An Hạ. Bởi nếu trả tiền thuê đất hằng năm tức là doanh nghiệp không thể đem dự án thế chấp ngân hàng lấy vốn để xây dựng hoàn thiện nhà máy. Trong khi để làm cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, An Hạ đã phải bỏ ra hơn 100 tỉ đồng từ năm 2018.
Công ty An Hạ liên tiếp có các công văn gửi Sở TNMT, UBND TP.HCM xin được điều chỉnh hình thức sử dụng đất là thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Tuy nhiên phía UBND thành phố chuyển đơn về Sở TNMT. Bà Thắm cũng nhiều lần gặp Sở TNMT để chỉ ra quy định của luật đất đai cho phép dự án của công ty được thuê đất trả tiền một lần, nhưng người đại diện của Sở TNMT nói rằng “luật quy định vậy nhưng UBND TP.HCM có quy định khác” nên sở này không thể đề xuất cho trả tiền một lần.
“Chúng tôi đã kiệt sức vì mỗi tháng trả lãi cả tỉ đồng từ năm 2018 đến nay. Nếu không được thế chấp dự án để vay vốn hoàn thiện nhà máy và đưa vào hoạt động thì chúng tôi buộc phải phá sản. Tại sao tôi cầu xin được làm đúng theo quy định của pháp luật mà khó khăn đến như vậy”, bà Thắm bức xúc.
Trước ý kiến của bà Thắm, ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị đại diện Sở TNMT giải đáp.
Tuy nhiên, người đại diện cho biết chỉ là người đi thay, không có thẩm quyền quyết định. Và khi nghe phản ánh của bà Thắm thì vị đại diện này đã gọi điện về sở thì nhận được thông tin Sở TNMT sẽ có cuộc họp về vấn đề này.
TRẦN MẠNH/TT