+
Aa
-
like
comment

Chốt lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ, 62 với nam là hợp lý

Hồng ĐInh - 21/11/2019 15:55

Sáng nay (20-11), Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi) với tỷ lệ ủng hộ hơn 90%, trong đó “chốt” phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Việc chốt lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, nhằm đối phó với quá trình già hoá dân số đang diễn ra khá nhanh cũng như việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều. Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu, giải trình và Quốc hội thảo luận vào ngày 23.10.2019. Đã có 54 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận.

Chốt lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ, 62 với nam là hợp lý

Về cơ bản, ý kiến của các vị đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong phiên làm việc sáng 20.11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với 435/453 đại biểu tán thành (90%), 9 đại biểu không tán thành (1,86%) và 9 đại biểu không biểu quyết. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi tới nam giới.

Thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đặc biệt là tuổi nghỉ hưu (theo khoản 2 Điều 169) có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo Phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 2 và cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số cũng như giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, xã hội nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm; bảo toàn, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Đây là mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau.

Chủ trương chung và Quốc hội kỳ này thông qua điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần, bắt đầu từ 1/1/2021, chúng ta điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu để tới năm 2028 thì nam đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62, nữ thì đến 2035 sẽ đạt độ tuổi nghỉ hưu là 60. Như vậy lộ trình của ta rất rõ là tăng dần đều, tăng chậm theo hướng nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng.

Đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường, trong hoàn cảnh công việc và sức khỏe bình thường. Với người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc ta lại có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác. Những người này được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

“Lộ trình tăng tuổi tôi cho là hợp lý. Câu chuyện bây giờ không tăng tuổi của phụ nữ mà theo tiến độ hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay thì phụ nữ sẽ về hưu rất sớm và hưởng lương hưu thấp”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nói.

Ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 60, nam 62 là phù hợp, vì hiện tuổi thọ bình quân của nam là 72, còn nữ là 81. “Hiện nay phụ nữ tuổi 55 nhìn rất trẻ và tràn đầy năng động mà phải nghỉ hưu thì đáng tiếc”, bà nói.

Theo nữ đại biểu, vì thế nên “Đối với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường; cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Cần phải tính lại làm sao thời gian tăng tuổi nam theo phương án 1 tới thời điểm đó là 62 tuổi, nữ tới thời điểm đó là 60 tuổi”, bà Yến nói.

“Như vậy mới đảm bảo bình đẳng giới vì bây giờ lao động nữ chiếm trên 50%, đây là nguồn nhân lực quý giá. Đề nghị Quốc hội quan tâm, tính lại trong 1 thời điểm nam – nữ đều lên 62, 60 tuổi”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh thêm.

Chúng ta có 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn thì khoảng 3 triệu người lao động thuộc trường hợp này chắc chắn có thể được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm và thậm chí sâu hơn.

Còn những trường hợp có trình độ cao, yêu cầu công việc đặt ra thì có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không kéo dài quá 5 năm. Họ sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia, sẽ theo hướng đó.

Có thể nói mốc tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, cụ thể: Lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 trong điều kiện bình thường. Cũng phải nói thêm rằng, ở thời điểm đó, tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động mới chỉ trên 40 tuổi.

Sau gần 60 năm, bình quân tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam hiện nay là 54,3 tuổi, trong đó lao động nam là 55,6 tuổi và lao động nữ là 52,6 tuổi.

Kết quả biểu quyết về tăng lộ trình nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 với nam

Mức tuổi nghỉ hưu trung bình của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia có tuổi thọ cao nhất trong khu vực. Lao động nam sau khi nghỉ hưu có tuổi thọ trung bình là 78 tuổi và nữ là 79,5 tuổi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, để ứng phó với già hóa dân số, các quốc gia cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ngay từ thời điểm “dân số vàng”. Đây là công việc lâu dài, cần một lộ trình dài hạn chứ không phải là công việc chỉ thực hiện trong 3 tới 5 năm và sẽ phải trả giá đắt nếu quá chậm điều chỉnh.

Dự thảo sửa đổi đã đưa ra phương án “quyền nghỉ hưu” cho người lao động được lựa chọn. Người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi luật định.

Trường hợp người lao động suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Thậm chí có trường hợp sẽ nghỉ hưu sớm hơn 10 tuổi…

Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu thật sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Ở thời điểm này, việc điều chỉnh tuổi hưu theo xu hướng tăng cũng là điều dễ hiểu nhằm đối phó với quá trình già hoá dân số đang diễn ra khá nhanh cũng như việc cân đối quỹ BHXH trong tương lai.

Bài mới
Đọc nhiều