Chống trì trệ, ‘rộng cửa’ với doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội ngày 15-6, nhiều đại biểu đề nghị cần triệt để chống “virus trì trệ” và có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp cũng như đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài sau đại dịch.
Theo các đại biểu (ĐB), đây là lúc cần đẩy mạnh cải cách thủ tục, cung cách quản lý để ưu tiên khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19. ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng bên cạnh việc trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đa quốc gia vào đầu tư cũng cần quan tâm đúng mức đến DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, bởi các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Tạo nguồn lực cho Doanh nghiệp
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng để đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá. Phải có kế hoạch cụ thể, chủ động lựa chọn đầu tư ở đâu, ở lĩnh vực nào trong quy hoạch phát triển của từng ngành, từng vùng và của cả nước, gắn với phân định rõ trách nhiệm.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng Chính phủ cần lựa chọn hỗ trợ một số DN trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.
Đồng thời cần tăng cường tiềm lực cho các DN trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế, gắn với đổi mới sáng tạo trong quản lý, thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình, quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào hiệu quả đầu ra.
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ĐB tỉnh Thái Bình) cho rằng điểm then chốt là vẫn phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Bởi theo ông, từ hơn một năm nay đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN đang trở thành lỡ hẹn, vì vậy tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là yêu cầu bức thiết.
Ông Lộc cho rằng trong điều kiện tuyệt đại bộ phận các DN làm ăn không có lãi thì việc cắt giảm 30% thuế thu nhập cho DN có quy mô nhỏ chẳng có ý nghĩa gì nhiều. “Mức nợ công hiện tại là 56% GDP, chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn, cắt, giảm thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ, có thể kéo dài hơn thời hạn giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp tới 12 tháng thay vì chỉ 3 hay 6 tháng” – ông Lộc đề nghị.
Kêu gọi chống trì trệ
Để hỗ trợ thiết thực người dân, DN trong thời kỳ hậu COVID-19, nhiều ĐB cho rằng cần phải chống “virus trì trệ”. “Mặc dù đã có nhiều giải pháp, khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt nhưng đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí một số lĩnh vực, một số vụ việc diễn biến phức tạp hơn. Vấn đề là phải bắt đầu từ con người, công tác cán bộ. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm, có các biện pháp chấn chỉnh để khắc phục tình trạng này, xây dựng hệ thống tổ chức tinh gọn, khoa học, siết chặt kỷ luật, kỷ cương” – ĐB Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng tình trạng trì trệ, quan liêu, sách nhiễu đang bào mòn lòng tin của nhân dân, cản trở phát triển đất nước. Vì vậy, ĐB này đề nghị Thủ tướng xem xét kêu gọi toàn dân “chống trì trệ, quan liêu, sách nhiễu như chống giặc” để Việt Nam bứt phá vươn lên.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng quyết liệt, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại “virus tham nhũng”, “virus trì trệ”, “virus vô cảm” triệt để nhằm từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế – xã hội.
* Bộ trưởng Bộ Công thương TRẦN TUẤN ANH: Thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu nội địa
Để ứng phó dịch COVID-19, Bộ Công thương đã chủ động xây dựng một kế hoạch hành động tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn. Đó là củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số thị trường. Đây là việc làm rất quan trọng. Tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng. Gắn với đó là tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử.
—–
* Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG: Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Trước tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối thu – chi ngân sách còn khó khăn, nên từ nay đến cuối năm sẽ tập trung giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất. Yêu cầu các bộ, ngành và địa phương điều hành chi ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
LÊ KIÊN – NGỌC AN/NLD