+
Aa
-
like
comment

Chống thổi giá trang thiết bị y tế: Mấu chốt là công khai, minh bạch

Diệu Hương - 22/09/2020 18:09

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhu cầu về trang thiết bị y tế, máy xét nghiệm tăng cao. Trước tình hình này, theo lẽ thường phải là sự góp sức, chung tay để sớm đẩy lùi dịch bệnh, thì ngược lại không ít kẻ đã lợi dụng tình hình để kiếm lời bất chính.

Máy xét nghiệm Realtime PCR xét nghiệm Covid-19 – là một trong những thiết bị bị nâng giá kinh hoàng.

Sau vụ việc khởi tố, điều tra cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội câu kết với một số cơ sở y tế nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động-xét nghiệm SARS-CoV-2, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng 2,3 tỷ đồng, qua CDC Hà Nội đã bị đội giá lên thành 7 tỷ đồng. Cũng liên quan đến việc “thổi giá” máy móc, trang thiết bị y tế, đầu tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2017, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa. Robot Rosa chuyên dùng trong phẫu thuật sọ não bị Công ty BMS “thổi giá” lên gấp nhiều lần giá trị thực; từ giá ước tính hơn 10 tỉ đồng lên thành 39 tỉ đồng. Tiếp đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can với giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế cũng với tội danh trốn thuế và khai khống giá bán sản phẩm phục vụ xét nghiệm Covid-19.

Có thể thấy trên sân khấu này, nếu chỉ có một mình doanh nghiệp cung cấp diễn đơn độc sẽ không thể hoàn thiện kịch bản mà cần có sự tham gia, tiếp tay tạo điều kiện của một số cán bộ biến chất tại các cơ sở y tế. Dù biết rằng những vụ vi phạm chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, không đại diện cho một ngành coi trọng chữ tâm hơn hết thảy. Nhưng dư luận cũng không thể không lên tiếng yêu cầu xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội những kẻ vì đồng tiền bất chấp lương tâm trục lợi trên số tiền lẽ ra phải dành để đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng những người đứng đầu ngành Y tế.

Chủ trương xã hội hóa ngành y tế được triển khai trong thời gian qua, giao quyền và cho phép các cơ sở y tế tự hoạch toán, chủ động, huy động các nguồn lực cho hoạt động khám chữa bệnh góp phần tăng nguồn vốn đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, việc thiếu một biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho những kẻ xấu lợi dụng làm xấu đi mục tiêu tốt đẹp của chủ trươnng này. Ở một thái cực khác, phải hiểu rằng, để có được tiền phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã phải chắt chiu những đồng ngân sách hạn hẹp, kể cả cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% kinh phí công tác nước ngoài. Còn toàn dân trên tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” đã ủng hộ Quỹ phòng chống dịch bằng những tin nhắn, bằng tiền, bằng hiện vật, dù rằng gánh nặng cơm áo đang đè lên không ít gia đình. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính ước tính rằng năm 2020 giảm thu ngân sách tới 140 nghìn-150 nghìn tỷ đồng. Đồng thời Bộ cũng đang phải căng mình tìm cách bù đắp nguồn thu thiếu hụt. Cho nên, từng đồng tiền thuế của dân lúc này đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Những kẻ trục lợi, rút ruột, thổi giá để bòn rút tiền ngân sách là không thể chấp nhận. Hành vi ấy sớm muộn gì cũng bị pháp luật sờ gáy, cho dù có thể còn nhiều kẻ vẫn đang nhởn nhơ khi “chưa bị lộ”.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy, nếu thiếu đi tiêu chí công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu hay bất cứ hoạt động mua bán công nào cũng sẽ dẫn đến nguy cơ biến tướng hay tư tưởng trục lợi bất chính.

Với mục tiêu ngăn chặn, không để tình trạng thổi giá tái diễn, Bộ Y tế vừa qua đã khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị Y tế. Dù chỉ mới là bước sơ khai, cần tiếp tục hoàn thiện nhưng động thái này cũng được xem là sự cố gắng của ngành y nhằm sớm minh bạch thị trường đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế giúp các đơn vị có thêm kênh tra cứu, tham khảo khi lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn được trang thiết bị y tế có chất lượng, giá thành phù hợp phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều