Chống tham nhũng ngày càng quyết liệt
Đánh giá về công tác phòng chống tham những trong năm 2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái cho rằng: công cuộc chống tham đang ngày càng quyết liệt, bài bản, qui củ, không ngoại lệ, không có vùng cấm…
Vị Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã có những chia sẻ với PV về vấn nạn này.
PV: Với tư cách là một ĐBQH, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống tham nhũng trong năm vừa qua?
ĐB Nguyễn Huy Thái: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, MTTQ, báo chí, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, không dừng, không nghỉ, không chùng xuống với các làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.
Đặc biệt tôi thấy rõ một điều, công cuộc “đốt lò” đang ngày một quyết liệt; lời nói đang ngày một đi đôi với việc làm; ngày một bài bản, qui củ; không ngoại lệ, không có vùng cấm.
Do đó, ngày càng tạo niềm tin nơi cử tri và nhân dân. Đây là một chỉ báo rất đáng mừng trong công cuộc phòng và chống quốc nạn tham nhũng.
PV: Trong năm 2019, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử liên quan đến các cán bộ lãnh đạo cao cấp như vụ đánh bạc nghìn tỷ, vụ mua bán AVG hay vụ gian lân thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT… ông có suy nghĩ gì về những vụ án này?
ĐB Nguyễn Huy Thái: Tôi đau. Nhưng cao hơn đau, là nuối tiếc. Giá như… Mà thôi.! Nhiều người sẽ thắc mắc, người vi phạm do thụ động hay chủ động?.
Ca dao từng có câu: “Cành cao thì gió càng lay/ Càng cao danh vọng, càng dày gian nan”. Càng là cán bộ cao cấp, càng có tầm nhìn, có lượng thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lí để định rõ cho mình cần phải nghĩ gì, làm gì.
Và, càng có trách nhiệm phải nêu gương, đi đôi với đó là chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lẽ thường, sa vào vòng lao lí mới nghiền ngẫm mệnh đề: “Nếu tôi là, thì tôi đã…”. Nhưng tất cả đều đã trễ. Vì thế, tôi xin nhắc lại: Giá như !!!
Mỗi vụ là mỗi “đau xót” riêng. Xót xa của câu chuyện người trong lực lượng Công an cho trùm cờ bạc thuê trụ sở gây cản trở của cơ quan chức năng khi điều tra, xác minh; là đồng phạm với trùm cờ bạc và phạm tội có tổ chức, khác với xót xa trong câu chuyện gian lận thi cử gây hậu quả lâu dài cho xã hội, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém; “góp phần” làm đạo đức xã hội xuống cấp và không công bằng trong giáo dục, làm vấy bẩn môi trường học đường…
Cứ “sờ” đến lĩnh vực nào, lĩnh vực đó “có vấn đề”. Chỉ khi phát hiện ra mới nhận tội. Nên mỗi “đau xót” là mỗi sắc thái khác nhau…
PV: Song song với việc đưa ra các đại án xét xử thì mới đây, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng cũng đã thống nhất bổ sung vụ án buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán tại Công ty Nhật Cường và các đơn vị liên quan; Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi … theo ông thể hiện điều gì?
ĐB Nguyễn Huy Thái: Là quyết tâm. Là không có vùng cấm. Và càng thấy mức độ nghiêm trọng của quốc nạn tham nhũng. Càng thấy sở dĩ đất nước, bên cạnh những thành tựu, là những “ì ạch” mà gốc của vấn đề là do thao túng của các nhóm lợi ích…
PV: Nhìn từ các vụ án cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức, quan chức đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ một cách nghiêm trọng. Theo ông, nguyên nhân là gì? Cần làm gì để không còn phải chứng kiến những vụ việc như thế?
ĐB Nguyễn Huy Thái: Về chủ quan, theo tôi đó là do một bộ phận cán bộ công chức, quan chức thiếu rèn luyện, lòng tham… Nguyên nhân khách quan là do sự cám dỗ, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lí, chế tài chưa đủ mạnh, xét xử chưa nghiêm…
Vậy cần làm gì để không còn tệ tham nhũng?, tôi nghĩ cần học ở quốc gia bạn… Làm sao để cán bộ, công chức Việt Nam không dám tham nhũng, không cần tham những, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng.
N. Huyền/IFN