+
Aa
-
like
comment

Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ

09/09/2019 07:18

Chúng ta đã và đang tiếp tục đạt được kết quả bước đầu trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng nhằm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy.

Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ
Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi nước Việt Nam non trẻ vừa thành lập, Đảng và Bác Hồ đã kiên quyết trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Những ngày này, chúng ta lại nhớ về vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng trong lịch sử. Trần Dụ Châu- nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, tiền thân của Tổng Cục hậu cần đã bị tử hình trong vụ án nổi tiếng năm 1950. Việc nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu hơn nửa thế kỷ trước vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí hiện nay. Chúng ta đã và đang tiếp tục đạt được kết quả bước đầu trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng nhằm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy.

Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ khoá XII cho tới nay, cấp uỷ, uỷ ban các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó gần 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Ngoài ra, có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 61.000 tỷ đồng và 144ha đất.

chong tham nhung khong phai la cuoc thanh trung noi bo hinh 1
Hiện nay đã có kết luận điều tra vụ Mobifone mua AVG. (ảnh: Zing.vn)

Nhiều vụ trọng án đã thu được tài sản cho Nhà nước như thương vụ Mobifone mua AVG, AVG đã chuyển trả 8.500 tỷ đồng cho Mobifone; vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá, các đối tượng phải nộp lại hàng nghìn tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng, gần 8000 đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Nhiều cán bộ tha hoá đã bị xử lý nghiêm minh cả về kỷ luật Đảng và luật hình sự. Trên mạng xã hội và một số tờ báo ở nước ngoài lại có những bình luận rằng, có thể đây chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ, triệt hạ phe cánh.

Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên đoàn Chủ tịch, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích động cơ các nhà báo tự do, những nhà dân chủ tự xưng đưa ra những suy luận này: “Kẻ thù thường đổi trắng thay đen những việc Đảng, Nhà nước và nhân dân làm được. Nếu tốt thì bảo xấu. Điều quan trọng nhất là dân thấy rõ được bản chất của họ”.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn – Viện Chính trị học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Qua việc xử lý các phần tử tham nhũng vừa rồi chúng ta thấy, nó không thuộc một đối tượng nào mà có dấu hiệu phe phái, không có vùng cấm, không loại trừ ai, từ cấp cao đến cấp thấp, ngay cả lực lượng vũ trang, lực lượng quân đội, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các cấp từ trung ương vi phạm đều xử lý hết. Để đánh giá có phe phái hay không thì cứ nhìn vào lòng tin của nhân dân là thấy. Đây là tiêu chí quan trọng”.

chong tham nhung khong phai la cuoc thanh trung noi bo hinh 2
GS.TSKH Phan Xuân Sơn – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Kết quả phòng chống tham nhũng đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng.

Chủ trì phiên họp thứ 15 và 16 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dứt khoát không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng, tư tưởng này phải quán triệt thật sâu sắc. Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu của nhân dân, mong muốn của Đảng ta, của dân ta. Phải khẳng định quyết tâm ấy, trong chúng ta, nếu ai có dao động thì tự giác báo cáo để xin thôi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần này xuống bên dưới”.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng. Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng là để giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, những người tự xưng là nhà báo độc lập, nhà dân chủ vẫn cố tình xuyên tạc mục tiêu, động cơ của công cuộc phòng chống tham nhũng. Họ, với những ngôn ngữ xảo biện, quy chụp, bình luận đánh tráo khái niệm và tự tạo nguồn tin giả để lôi kéo, dẫn dắt dư luận chống đối nghi ngờ.

Theo GS Phan Văn Sơn, quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán ngay từ đầu: “Thứ nhất, sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là cuộc đấu tranh dựa trên đường lối, chủ trương nhất quán từ khi thành lập đất nước cho đến nay. Thứ hai, tham nhũng hiện nay là một trong những vấn đề của toàn cầu, gắn liền với tất cả các nước trên thế giới. Ở nơi nào có quyền lực, có tổ chức Nhà nước mà nếu bị tha hóa, không kiểm soát được quyền lực, minh bạch hoạt động thì nguy cơ tham nhũng đều có thể xảy ra”.

Chống tham nhũng ở mỗi quốc gia không phải là cuộc chiến đơn giản, một sáng, một chiều, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển đang trở thành công cụ để các lực lượng đối lập nhằm hạ bệ nhau. Tin giả, tin vu khống, xuyên tạc đang trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đã xây dựng những quy định, thậm chí là thành luật để xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình tung tin xuyên tạc, tin sai sự thật.

Còn ở Việt Nam, theo GS Phan Văn Sơn, cần có những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn để phản bác và xử lý các tổ chức, cá nhân vu khống, xuyên tạc.

“Cần cụ thể hóa và mạnh mẽ hơn nữa các điều luật, chỗ nào chưa hoàn thiện pháp lý, chúng ta cần nghiên cứu. Việc phòng chống tham nhũng nói chung, chúng ta biết chắc chắn sẽ có lực lượng chống đối. Vậy nên chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo và có thái độ nhất quán, khoa học đối với đấu tranh phòng chống tham nhũng”, TS Phan Xuân Sơn nhận định.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở “quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác, phải tẩy sạch nó, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”.

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và đã được thể chế hóa thành Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, chỉ có quyết tâm của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước thôi là chưa đủ.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, phải có sự ủng hộ tuyệt đối từ nhân dân, phải khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, từng bước loại bỏ ra khỏi cơ quan công quyền từ hành vi tham nhũng vặt cho đến tham nhũng lớn, phải có lập trường kiên định, vững vàng, luật pháp đủ mạnh trong cuộc chiến này thì dù thế lực bên ngoài có chống phá thế nào cũng không thể xuyên tạc được công cuộc chống tham nhũng ở nước ta.

(Theo Hằng Nga/VOV)

Bài mới
Đọc nhiều