Chống tham nhũng “không có vùng cấm”, hết chuyện “hạ cánh an toàn”
Trong số cán bộ bị xử lý có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an, kể cả đương chức và về hưu cho thấy PCTN không có vùng cấm, hết chuyện “hạ cánh an toàn”.
Tinh thần phòng, chống tham nhũng (PCTN) “không có vùng cấm” tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 2020 vừa qua.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, những con số ấn tượng về kết quả PCTN trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng về những gì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói.
Minh chứng từ những con số ấn tượng
Qua theo dõi, giám sát công tác PCTN, ông thấy PCTN “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” thể hiện từ tình hình thực tế như thế nào?
Năm 2020, tình hình trong nước và quốc tế có những tác động lớn, chưa từng có do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế xã hội ngưng trệ.
Trong bối cảnh đó, công tác PCTN đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trên cả nước, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh PCTN.
Điều này thể hiện qua các con số ấn tượng từ báo cáo của Ban Chỉ đạo. Cụ thể, trong 80 nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Đáng chú ý, có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng…
Trước đây dư luận và ngay chính các ĐBQH thường hay nhắc đến những “chuyến tàu vét”, câu chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay tình trạng “hạ cánh an toàn”. Dường như gần đây, tình trạng này ít ai nhắc đến nữa?
Phải nói rằng, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.
Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.
Điển hình như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên…
Kể cả những vụ việc, vụ án liên quan đến cán bộ đã về hưu vẫn được lật lại, đưa ra xử lý như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; vụ đất quốc phòng liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến…
Những kết quả PCTN đã đạt được, nhất là trong số cán bộ bị xử lý có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an, kể cả đương chức và về hưu đều bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự thì đúng là không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nữa.
Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Lãnh đạo không tham nhũng, cấp dưới cũng không dám tham nhũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Nhấn mạnh này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, vừa là quan điểm chỉ đạo của người lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước ta về giải pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng.
Bởi lẽ, nếu cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng thì không những bản thân họ không tham nhũng mà họ còn là tấm gương sáng, là người chiến sỹ tiên phong, dũng cảm trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo không tham nhũng thì cán bộ, đảng viên cấp dưới cũng không dám tham nhũng và như vậy, tham nhũng nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi, cuộc chiến chống tham nhũng nhất định sẽ thành công.
Vấn đề cử tri băn khoăn hiện nay là làm sao trong nhiệm kỳ tới, PCTN không bị chùng xuống, thưa ông?
Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện được cả 4 không “không thể, không dám, không cần và không muốn” tham nhũng.
Năm mặt công tác PCTN gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; Phát hiện, xử lý tham nhũng đều được đẩy mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”. Vì vậy tôi cho rằng, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, công tác đấu tranh PCTN cần tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, phát huy tối đa nhiều kết quả tích cực đã đạt được, quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”.
Cùng với đó cần tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong đảng do Ủy ban Kiểm tra và tổ chức đảng các cấp thực hiện; hoàn thiện thể chế nhằm PCTN.
Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ cần nhất là tập trung đẩy mạnh hơn nữa giải pháp thực hiện nội dung “không cần tham nhũng” bằng cơ chế, chế độ, chính sách tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ công chức và nhân dân…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN thời gian tới nhất định có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Qua đó, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là sau nhiệm kỳ này, cuộc chiến PCTN sẽ không bị “chùng xuống”.
Thu Hằng/VNN