+
Aa
-
like
comment

Chống ngập bằng cách thu phí tới người dân liệu có thỏa đáng?

sông trà - 04/06/2020 18:14

“Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý.

Đó là những lời nói thẳng của KTS Ngô Viết Nam Sơn khi nói đến “ý tưởng” chống ngập mới được các nhà chức trách nghĩ tới là ‘thu phí tới tận từng người dân’ của các nhà chức trách TP.HCM.

TP.HCM tính phương án chống ngập mới: Thu phí chống ngập tới tận người dân

Loay hoay với các phương án chống ngập

Theo thông tin từ Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam – Đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM để xây dựng phương án giá dịch vụ chống ngập cho TP, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM được xác định là 3.668 đồng/m2/tháng.  Phương án thu phí chống ngập này đã tạo dư luận với nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận.

Giải thích về các giải pháp này, đại diện Sở Xây dựng, cho biết: “Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP cần 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng huy động từ ngân sách, xã hội hóa cũng chưa được một nửa khiến việc chống ngập chắp vá, không giải quyết tận gốc. Và nguyên căn của phương án xã hội hóa chống ngập này là do thiếu tiền”.

Có thể nói, câu chuyện chống ngập, xóa ngập tại TP.HCM là không mới nhưng lại chưa bao giờ là cũ. Bởi mỗi năm thành phố luôn có những công trình, dự án chống, xóa ngập đã, đang và sắp thi công. Dù đã bắt đầu và kéo dài hàng chục năm qua thế nhưng cho đến ngay ngập sau mưa vẫn cứ lặp đi lặp lại ngày càng đậm, rõ nét hơn và đã trở thành “đặc trưng” khi nhắc tới TP.HCM.

Theo thống kê, năm 2019, UBND TP ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019, trong đó hơn 7.500 tỷ đồng sẽ được đầu tư để thực hiện 218 dự án chống ngập của TP.

Theo đó, TP sẽ cho thực hiện đầu tư 218 dự án trong năm 2019. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 4.900 tỷ đồng; 47 dự án khởi công mới với tổng kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng; 94 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý với phương án chống ngập bằng “siêu máy bơm” từng nhận được nhiều quan tâm của dư luận và các chuyên gia. Mặc dù đã được đầu tư “siêu máy bơm” chống ngập nhưng cũng không được mấy sáng sủa, trong khi đây mới chỉ là những trận mưa đầu mùa, những tuyến đường này vẫn nằm trong biển nước, nhiều phương tiện không thể đi lại. Còn “siêu máy bơm” chống ngập với công suất 27.000 – 96.000 m3/giờ, cũng chỉ hoạt động ì ạch, túc tắc…

Về phía ông chủ của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung lắp “siêu máy bơm”, cũng bặt vô âm tín, không còn những lời nói như đinh đóng cột “không hết ngập không lấy tiền”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu – đường – cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường (một chuyên gia nghiên cứu về các giải pháp chống ngập TP), chia sẻ: “Nguyên lý cơ bản của công tác chống ngập là hệ thống thoát nước phải tốt, không phải dùng máy bơm. Thực tế, cả máy bơm của Trung tâm Chống ngập TP.HCM cũng như của Tập đoàn Cơ khí công nghiệp Quang Trung tại đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua không mang lại hiệu quả lâu dài mà chỉ xử lý tức thời”.

Bên cạnh đó có rất nhiều phương án chống ngập khác được đề xuất như: Xây đê, làm cống ngăn triều… Song song là các quy hoạch chống ngập của TP được duyệt trước đây hiện nay đã lạc hậu; công tác dự báo đã không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu và những yếu tố bất định khác. Nhiều thách thức mới đặt ra như hiện tượng lún đất, mực nước dâng, nhiệt độ, vũ lượng thay đổi do biến đổi khí hậu,… đòi hỏi các quy hoạch trên phải được cập nhật, điều chỉnh gấp.

Chứ không thể mãi tồn tại cung cách chống ngập phổ biến nhất hiện nay là ngập đâu nâng đấy. Cụ thể đó là nâng đường, nâng hẻm… Phương án này được một vài năm tạm ổn thì sau đó nước mưa kết hợp với triều cường dâng cao lại ngập. Thế là, cuộc chạy đua này không bao giờ có hồi kết.

Tuy nhiên, manh nha một chút ‘niềm tin và hy vọng’ cho công tác chống ngập úng của TP đó là vừa qua, sự kiện Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM công bố chuẩn bị cán đích hoàn thành vào tháng 10/2020.

Nhưng “thu tiền tới tận đầu người dân” liệu có thỏa đáng?

Đúng là, ngập úng đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, ô nhiễm môi trường..

Thứ “đặc sản” lềnh bềnh theo triều cường là rác, nước cống đen ngòm thúi oang và cả tiếng chửi thề đang chờ dịp bung ra. Nói thế là bởi, gần 20 năm nay người ta đã bó tay với triều cường, chịu thua trước mưa lớn, Sài Gòn giờ chưa mưa đã ngập, còn mưa ngập là… bình thường rồi!

Có một thực tế là ngập lụt đã trở thành vấn nạn của TP.HCM nhiều năm nay. Điều đáng buồn hơn là công tác chống ngập ngày càng trở nên bế tắc, trong đó thiếu vốn là lý do quan trọng nhất, đúng như vị đại diện Sở Xây dựng TP nói.

Mà ngân sách không kham nổi thì phải tính chuyện xã hội hóa. Thế nhưng vấn đề là nguyên nhân gây ngập thì do nhiều phía, nhiều đối tượng, trong đó không thể không nói đến vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Ví dụ do lỗi quy hoạch, nén cao ốc vào nội đô, bê tông hóa từ trên trời cho tới dưới đất khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng; hay chuyện buông lỏng khai thác nước ngầm tràn lan khắp nơi gây sụt lún mặt đất khiến ngập lụt gia tăng.

Nói cách khác, chính quy hoạch đô thị thiếu không gian cho nước và cây xanh. Một số khu vực quy hoạch tốt nhưng sau đó lại điều chỉnh, tăng mật độ xây dựng khiến mỗi lần mưa nước không có chỗ thoát. Bằng chứng là đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây không hề ngập, nhưng sự lỏng lẻo về công tác quy hoạch đã khiến nơi đây thành “rốn” ngập..

Ngay cả chuyện ngập đâu chống đấy, không đồng bộ; rồi các dự án dở dang gây chặn dòng chảy và tất nhiên không thể thiếu nguyên nhân từ việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức từ nhiều người dân… tất cả đều góp phần gây nên tình trạng ngập lụt ở TP. Nhưng nếu “đổ” hết lên đầu người dân để thu phí thì chưa thực sự thỏa đáng.

Dưới góc nhìn chuyên gia, chuyên gia quy hoạch – KTS Ngô Viết Nam Sơn, không đồng tình với việc yêu cầu người dân phải đóng phí dịch vụ chống ngập vì 2 lý do: Thứ nhất, việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý. Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả TP. Thứ hai, tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.

Nói thẳng ra,TP.HCM đang chống ngập một cách lẻ tẻ, manh mún như “nông dân đắp bờ”. Nó vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân mà hiệu quả thì quá thấp.

Theo số liệu từ quy hoạch thủy lợi chống ngập, TP có 277,4 km kênh rạch với khả năng chứa nước là 4 m, thể tích chứa sẽ là 48,3 triệu m3 nước. Với thể tích chứa này, hệ thống kênh rạch TP sẽ chứa, giữ lại hết lượng nước từ trận mưa với vũ lượng 200 mm. Như vậy, năng lực chứa nước chống ngập của hệ thống kênh rạch của TP là rất lớn.

Nên, một vấn đề đặt ra ở đây là: “Ông Trời” đã ban tặng cho TP.HCM chi chít những kênh rạch tự nhiên thì tai sao không biến chúng thành các hồ chứa điều tiết nước mưa?

Điều này cũng có nghĩa, TP.HCM phải khơi thông lại hệ thống kênh rạch, dù tốn kém đến đâu cũng phải khôi phục năng lực thoát của các kênh xuyên tâm và kênh trục như: kênh Tham Lương – Bến Cát, các trục tiêu thoát nước chính như rạch: Bà Tiếng, Thủ Đào, Ông Bé và Thầy Tiên.

Vì vậy, TP cần một bài toán chống ngập tổng thể và phải kết hợp với quy hoạch đô thị và hạ tầng để mang lại hiệu quả. Từ đó TP sẽ đưa ra giải pháp chống ngập cho những nơi đã ngập và xây dựng đô thị mới để không bị ngập.

Chứ không thể chống ngập bằng cách “xã hội hóa” –  thu phí chống ngập đến tận đầu người dân được. Giả sử phương án này được thực thi mà không hết ngập thì ai trả tiền lại cho người dân? Rất mù mờ về trách nhiệm và lợi ích, nên đây là phương án không thỏa đáng chút nào.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều