+
Aa
-
like
comment

Chống lại luận điệu dân chủ đa nguyên trước thềm Đại hội 13

sông trà - 19/04/2020 15:15

Mọi luận điệu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suy cho cùng cũng chỉ đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vị thế lãnh đạo, thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước, phải chuyển đổi thể chế chính trị.

Mới đây, trên trang Thông Luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – một Tổ chức phản động của một nhóm tri thức Việt tại Pháp có tiêu đề Ông Trọng Vẫn Làm Tổng Bí Thư Sau Đại Hội 13? Đương nhiên, nội dung bài viết không gì khác ngoài những luận điệu đả kích, xuyên tạc bản chất Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Kích động, cổ súy cho tư tưởng đa nguyên, đa đảng

Chúng nhai đi nhai lại rằng, chỉ có “đa nguyên, đa đảng” thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự và chính “đa nguyên, đa đảng” sẽ trở thành “cây gậy thần” giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Có thể nói gọn trong một vài luận điểm như sau:

Luận điểm thứ nhất: Dịch cúm Covid-19 đang làm lu mờ hết thảy thời sự trong nước và quốc tế. Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đang đến gần nhưng không thấy báo chí nói gì về việc chuẩn bị.

Luận điểm thứ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đồng thuận trên bất cứ lĩnh vực nào. Bộ máy đàn áp của chính quyền vẫn còn hoạt động nhưng chủ yếu là do quán tính. Bộ não của nó đã chết vì mất đồng thuận.

Luận điểm thứ 3: Chúng cho rằng, nhân sự cấp cao của Việt Nam là do Trung Quốc thao túng, giật dây. Đại hội 13 này cũng vậy, Trung Quốc sẽ không còn làm áp lực mạnh lên vấn đề nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không còn chỗ chống lưng nên ban lãnh đạo Đảng Cộng sản phải lấy quyết định chuyển trục sang các nước dân chủ.

Luận điểm thứ 4: Nước ta có khả năng trở thành một nước lớn và giàu mạnh nếu động viên được mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay trong sự nghiệp xây dựng tương lai chung. Tuy vậy thực tế đáng buồn là ngày hôm nay chúng ta vẫn còn đang phải đấu tranh cam go để có được điều mà hầu hết các dân tộc đã có: Dân chủ.

Luận điểm thứ 5: Dưới chế độc đảng thì không cần đến Quốc hội và Viện kiểm sát vì các định chế này chỉ là các cơ quan của đảng và chịu hoàn toàn sự chỉ đạo của đảng. Ngay cả tòa án cũng chỉ xét xử theo lệnh của đảng chứ không xét xử theo luật pháp và lương tâm.

Có thể nói, những luận điệu phản động nêu trên không có một chút giá trị gì, nhưng bằng các chiêu trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, tạo thật giả lẫn lộn, biến có thành không, không thành có, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã khiến không ít người nhẹ dạ, có nhận thức hạn chế tin và nghe theo chúng.

Thực tế ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại

Không khó để nhận thấy, khi đưa ra những luận điệu sặc mùi phản động nêu trên, mục tiêu mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hướng tới là hạ thấp, đi đến thúc đẩy việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì thế, cá nhân người viết cũng xin cung cấp một góc nhìn nhằm phản bác lại luận điệu xuyên tạc, phi lý, phi thực tế của cái tổ chức có tên gọi là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Ở luận điểm thứ nhất: Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,  nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Kon Tum, Bạc Liêu…  đã tiến hành rút kinh nghiệm về công tác tổ chức Đại hội điểm của đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020-2025 trên tinh thần dân chủ, đoàn kết và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc chống dịch COVID-19.

Và truyền thông trong nước vẫn đưa tin chứ không phải ‘không thấy báo chí nói gì về việc chuẩn bị’ như những nhà dân chủ “rởm” đưa tin.

Luận điểm thứ 2: Phải nói rằng, tính đoàn kết, thống nhất không chỉ là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng; là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của đảng Mác-xít; mà còn là cơ sở để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết, thống nhất là sức mạnh của Đảng và trong mọi thời điểm của lịch sử đó là vấn đề then chốt, có ý nghĩa sinh tử của tổ chức Đảng; sự sống còn, thành bại, được mất của cách mạng.

Từ những lãnh đạo cấp cao nói riêng, cho đến hệ thống chính trị nói chung đều thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: “Trong Đảng không được phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Không bao giờ thỏa hiệp với những xu hướng bè phái; kiên quyết đấu tranh loại trừ mọi biểu hiện đoàn kết xuôi chiều, dễ người, dễ ta, đoàn kết hình thức, giả tạo, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Luận điểm thứ 3: Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và định hình các hoạt động đối ngoại từ khi lập quốc đến nay. Người, đã dạy “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”.

Thực tế, trải qua các thời kỳ cách mạng, tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để Đảng, Nhà nước ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Tăng cường khả năng đấu tranh chống lại sức ép và ảnh hưởng từ bên ngoài.

Vậy, Trung Quốc là gì mà có thể can thiệp vào chính trường và  sắp xếp nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không bao giờ có chuyện đó vì Việt Nam vốn dĩ là một nước độc lập và có sự tự chủ mạnh mẽ.

Luận điểm thứ 4: Minh chứng trước mắt không thể phủ nhận cho tính dân chủ của chế độ, tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là cuộc chiến “vô tiền khoáng hậu” với dịch bệnh bắt đầu từ tháng 1, đã chứng kiến tinh thần đoàn kết và đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam chống dịch thành công, đã được quốc tế ghi nhận.

Nhân dân ai cũng cảm kích trước tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Thủ tướng nói ‘Chính phủ không từng tính đến việc chiến đấu với dịch bệnh là để trở thành “anh hùng”, hãy dành danh hiệu đó cho toàn dân’.

Và người viết xin mượn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ‘những ngày chiến đấu với dịch bệnh là những ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc’.

Đó là chưa kể trong mọi lĩnh vực như tôn giáo, chính trị, xã hội… vấn đề dân chủ cũng luôn được Đảng, Nhà nước đề cao.

Luận điểm thứ 5: Việc Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội mang tính quy luật, là sự giao phó của lịch sử, của cách mạng Việt Nam thông qua quá trình sàng lọc, lựa chọn một cách đúng đắn. Đây cũng là sự lựa chọn mang tính lịch sử của nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh.

Song song, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là mục tiêu quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước đặt ra. Điều đó cũng có nghĩa, ở bất kỳ thời kỳ nào, tính thượng tôn pháp luật cũng được đề cao và mọi hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật là phạm pháp cần phải được xử lý. Nhất là với các đối tượng, tổ chức phản động, lưu vong ở nước ngoài thì đó là hoạt động chống đối, lật đổ chính quyền nhân dân.

Như vậy, mọi luận điệu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suy cho cùng cũng chỉ đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vị thế lãnh đạo, thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước, phải chuyển đổi thể chế chính trị.

Đó là lý lẽ của sự phản động, phi lý, vì thế  từ cán bộ, đảng viên cho đến mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái, giữ vững ổn định chính trị ở nước ta.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều